Phụ nữ xã Mò Ó giúp nhau thoát nghèo từ mô hình nuôi dê

Nhận thấy nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, địa hình nên từ năm 2014, Hội Phụ nữ xã Mò Ó, huyện Đakrông phối hợp với tổ chức Plan hỗ trợ các hội viên, phụ nữ con giống để nuôi dê theo phương thức quay vòng. Nhờ nuôi dê mà nhiều gia đình hội viên, phụ nữ dần thoát nghèo, có của ăn của để…

 Nuôi dê mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ xã Mò Ó. Ảnh: TT

Nuôi dê mang lại thu nhập ổn định cho phụ nữ xã Mò Ó. Ảnh: TT

Nhiều năm về trước, người dân xã Mò Ó đã nuôi dê thả dọc các triền núi, mỗi nhà nuôi vài con để làm vốn. Dần dà, nhiều gia đình biết làm chuồng nuôi dê nhốt để bảo vệ đàn dê và tăng hiệu quả kinh tế. Một trong những người đầu tiên nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng tại xã Mò Ó là chị Hồ Thị Liên (sinh năm 1972) ở thôn Phú Thiềng.

Chị Liên chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi dê từ năm 2015. Trước đó, tôi nuôi lợn và trâu nên cũng có chút ít kinh nghiệm chăn nuôi gia súc. Lúc cao điểm, tôi nuôi hơn 20 con lợn, gần 10 con trâu. Qua thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy con dê cũng dễ nuôi và thích hợp với miền núi cao. Vì thế, tôi tìm mua 2 con dê cái về nuôi thử. Thức ăn cho dê chủ yếu có sẵn trong vườn như lá khoai, lá mít, lá xoan… Đàn dê sinh sản nhanh, mỗi năm sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con. Năm vừa rồi, tôi bán 3 con được hơn 6 triệu đồng. Thấy tôi có kinh nghiệm nuôi dê nên vừa qua, Hội Phụ nữ xã cho tôi mượn 2 con dê cái do tổ chức Plan hỗ trợ để phát triển đàn. Sau khi 2 con dê cái sinh ra dê con, tôi giao lại 2 con dê con cho một chị khác trong hội nuôi để có sinh kế. Đến nay, gia đình tôi có 6 con dê đang sinh trưởng khỏe mạnh. Nhờ đó, nhà tôi đã thoát nghèo”.

Mô hình nuôi dê quay vòng được Hội Phụ nữ xã Mò Ó phối hợp với tổ chức Plan triển khai từ năm 2014, với 6 hộ được hỗ trợ, mỗi hộ 2 con dê cái, trị giá 4,6 triệu đồng, trong đó mỗi hộ phải đối ứng 1 triệu đồng. Các gia đình nhận nuôi dê chủ động làm chuồng, tìm nguồn thức ăn. Hội Phụ nữ phối hợp với ngành Thú y mở các lớp tập huấn kiến thức, kĩ thuật chăn nuôi dê và kinh phí mua vắc xin phòng bệnh cho đàn dê. Theo quy chế, các hộ sau khi nhận dê giống phải kí cam kết, nếu gia đình nào giết thịt hoặc bán dê giống sẽ phải hoàn dê lại cho hội. Sau khi 2 con dê cái sinh được 2 con dê con thì gia đình hội viên phải giao 2 con dê con cho các gia đình khác nhận nuôi theo hình thức quay vòng. Đến nay, toàn xã có 21 hộ hội viên, phụ nữ được hỗ trợ dê giống với 8 đợt quay vòng.

Đầu năm 2019, chị Hoàng Thị Chi (sinh năm 1981) ở thôn Phú Thành được Hội Phụ nữ xã giao cho 2 con dê cái làm giống. Ít lâu sau, chị tham gia các lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi dê do Hội Phụ nữ tổ chức. Từ đó, chị nắm bắt được kĩ thuật chăm sóc đàn dê. “Hiện nay, đàn dê của gia đình tôi có 6 con đều sinh trưởng tốt. Dê sinh sản nhanh, ít mắc bệnh, nhu cầu của thị trường về thịt dê cao nên đầu ra sản phẩm được đảm bảo. Hiện tại, giá thịt dê hơi dao động từ 120-130 ngàn đồng/ kg tùy theo từng giống dê và độ tuổi của dê. Giá thịt dê ít biến động theo thị trường nên người nuôi dê có nguồn thu nhập khá ổn định. Nhận thấy hiệu quả từ nuôi dê, nhiều gia đình còn tự đầu tư vốn để nuôi dê và đạt hiệu quả khá cao”, chị Chi cho hay.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mò Ó Nguyễn Thị An cho biết, toàn xã có 386 hội viên, 64 phụ nữ. Đến nay, hầu hết, các gia đình hội viên, phụ nữ trong xã đều có nuôi dê, mỗi hộ nuôi từ 5-10 con. Tổng số đàn dê trên địa bàn xã Mò Ó có 273 con. Sau 7- 8 tháng nuôi, dê đạt tuổi trưởng thành có trọng lượng khoảng 25- 30 kg. Một cặp dê cái ban đầu sau 2 năm có thể phát triển đàn lên khoảng 10 con, trị giá gần 30 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi có tỉ lệ sinh lãi cao, trong khi vốn đầu tư thấp. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển chăn nuôi nuôi dê tại xã Mò Ó là hướng đi hiệu quả, giúp xóa đói giảm nghèo.

Chị An cho biết thêm: “Để phát huy hiệu quả của mô hình, Hội Phụ nữ xã thường xuyên mở các lớp tập huấn kĩ thuật nuôi cho các chị em hội viên, phụ nữ. Bên cạnh đó, hội chủ động phối hợp với ngành Thú y hỗ trợ các gia đình tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn dê. Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã tiếp tục mô hình quay vòng dê giống, hỗ trợ các chị em hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu nuôi dê để các chị có thêm sinh kế, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình”.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145101