Phụ nữ xã Phú Tân - hành động theo lời Bác
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ hội có uy tín, nhiệt tình với công việc, biết tranh thủ nguồn lực để hỗ trợ hội viên.
“Tổ quét rác từ thiện”
Mô hình “Tổ quét rác từ thiện” với 20 thành viên tham gia được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tân triển khai nhiều năm nay. Đây là hoạt động ý nghĩa, được chọn làm điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chuỗi hoạt động mang tên “30 phút để nhớ và hành động” của Đảng ủy xã Phú Tân.
Điều đáng quý ở mỗi thành viên trong “Tổ quét rác từ thiện” là dù bận rộn đến mấy cũng sắp xếp chu toàn tham gia đầy đủ. Cứ đều đặn mỗi ngày từ 5 giờ đến 7giờ sáng, các thành viên đến chùa Bốn Mặt quét lá rụng, dọn rác xung quanh khuôn viên. Các chị phân từng loại rác, loại bán phế liệu, loại ủ làm phân bón cây, loại nào không thể tái chế thì đem đốt. Mỗi ngày lễ, Tết, các thành viên dọn vệ sinh cả bên trong chùa, vệ sinh tượng Phật, tủ, bàn, ghế.
Bà Triệu Thị Vui - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phước Thuận, Tổ trưởng “Tổ quét rác từ thiện” chia sẻ: "Các thành viên đa số là đồng bào Khmer và chúng tôi làm việc này tại các ngôi chùa Khmer. Nơi quét dọn thường xuyên là chùa Bốn Mặt, nhưng thỉnh thoảng cũng tham gia ở một số chùa Khmer khác trên địa bàn xã Phú Tân, xã An Hiệp. Chúng tôi muốn đóng góp công sức để làm đẹp cho một nơi mà đối với đồng bào Khmer vừa là nơi tín ngưỡng tâm linh, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có sự gắn bó thiêng liêng cả đời”.
Theo Thượng tọa Thạch Bone - Trụ trì chùa Bốn Mặt, ngôi chùa này được xây dựng trên diện tích 6,5ha, tọa lạc tại ấp Phước Thuận, xã Phú Tân. Tổng thể kiến trúc chùa bao gồm các công trình: ngôi chính điện, sala, lò hỏa táng, tháp để cốt người quá cố, nhà ở của các vị sư, nhà tiếp khách... Đặc biệt, chùa Bốn Mặt có công trình ao tháp Mách Cha Linh - biểu tượng của Phật giáo Nam tông, giá trị công trình hàng tỷ đồng do bà con phật tử và du khách gần xa đóng góp. Hàng năm, chùa cũng đón nhiều du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan vì gắn liền với truyền thuyết Giếng Tiên (đang được xây dựng thành Khu Văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên), phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Khmer của tỉnh. “Tổ quét rác từ thiện” dọn dẹp hàng ngày ở chùa là rất đáng quý vì vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa làm tôn vinh lên vẻ đẹp của điểm đến tâm linh.
Hỗ trợ, chăm lo phụ nữ
Đồng chí Sơn Thị Diễm Ngọc - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Tân cho rằng, khi việc học tập và làm theo Bác như công việc hàng ngày thì mỗi cán bộ, hội viên đều có tinh thần tự giác. Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tích cực vận động, xây dựng phong trào, tạo sự chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, khơi dậy tinh thần hăng say lao động, thực hành tiết kiệm trong mỗi cán bộ, hội viên, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh, gia đình ấm no, hạnh phúc. Điển hình như chị Triệu Thị Vui (vẽ tranh trên kiếng), chị Sơn Thị Ngọc Xuân (kinh doanh cà phê), chị Lý Thị Ngọc Hương (ươm giống cây hồng nhung), chị Sơn Thị Chành Ra, chị Dương Thị Hồng Cúc (buôn bán nhỏ).
Điển hình như trường hợp của chị Dương Thị Hồng Cúc, ấp Phước Lợi, xã Phú Tân. Chị Cúc từng bị sốt và liệt một chân khi mới 5 tuổi nhưng lúc nào cũng kiên cường chống lại với số phận. Nhiều người khá bất ngờ khi chị chọn nghề may quần áo làm kế sinh nhai. Chị Cúc kể: “Tôi có tàn nhưng không phế, như vậy cũng là may mắn lắm rồi. Một chân tôi bị liệt nhưng chân còn lại thì khỏe lắm, đạp máy may cả ngày cũng không sao”. Chị Cúc cũng khoe mình có gia đình hạnh phúc, đứa con trai đang học lớp 12 tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, nhiều năm liền là học sinh giỏi.
Những năm gần đây, chị Cúc nhiều lần được hỗ trợ vay vốn từ “Quỹ tình thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng. Theo bà Lý Ngọc Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phước Lợi, xã Phú Tân, do nghề may của chị Cúc hiện nay không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, thu nhập đã giảm nhiều nên hội tạo điều kiện cho chị vay 10 triệu đồng chuyển sang mua bán nhỏ. Chị Cúc rất có nghị lực, không bao giờ ỷ lại hay trông chờ vào sự giúp đỡ. Chị lúc nào cũng lạc quan, sống chân thành, bản lĩnh”.
Có thể nói, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành ý thức chung của hội viên và phụ nữ, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của hội viên được nâng lên và kết nối tình cảm tương thân, tương ái giữa các hội viên.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/1029/phu-nu-xa-phu-tan-hanh-dong-theo-loi-bac-61226.html