'Phù phép' điểm thi ở Hà Giang và niềm tin bị đánh cắp
Đối mặt với nhiều bất cập, có lẽ đa số người dân vẫn nuôi dưỡng niềm tin rằng, giáo dục là niềm hy vọng lớn nhất để xây dựng một xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn.
Sau những ồn ào gian lận thi cử tại Phú Xuyên, Hà Tây năm 2006, Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012, scandal sửa điểm thi ở Hà Giang năm nay (và có thể cả các tỉnh khác) thêm một lần nữa làm dậy sóng những bất bình và bức xúc về thực trạng giáo dục nước nhà.
Thực tế, xã hội đã và đang tồn tại bất cập trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì giáo dục. Tuy nhiên, trong đa số người dân có lẽ vẫn luôn tồn tại một niềm tin rằng, giáo dục là niềm hy vọng lớn nhất để xây dựng một xã hội văn minh hơn, tiến bộ hơn.
Chúng ta kỳ vọng giáo dục là chiếc chìa khóa của hy vọng, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho dân tộc này. Nhờ giáo dục, chúng ta có thể tạo ra những lớp người biết phân biệt thị phi, biết thế nào là đúng, là sai, có trách nhiệm với xã hội, biết xấu hổ trước những việc làm sai trái và luôn kiên định vì lẽ phải.
Hiện nay, ngày càng nhiều ông bố bà mẹ tìm mọi cách đầu tư cho con cái có được môi trường học tập tốt hơn, tiến bộ hơn với mong muốn về một tương lai ổn định với công việc tốt, thu nhập cao. Tuy nhiên phía sau những mong ước giản dị mang màu sắc định lượng ấy, luôn ẩn giấu một khát khao của nhiều kiếp người.
Đó là kỳ vọng những thế hệ tương lai sẽ đóng vai trò vừa là tác nhân, vừa là đối tượng hưởng lợi từ những thay đổi nhằm hướng tới một xã hội không chỉ cuộc sống no đủ về vật chất, mà còn thỏa mãn những giá trị tinh thần, với phẩm cách con người được bồi bổ, gìn giữ, trân trọng. Xã hội ấy chỉ có thể đạt tới khi chúng ta đảm bảo được một nền giáo dục trong sạch, công bằng với triết lý giáo dục vì các giá trị của con người.
Tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT tại một điểm thi ở Hà Nội. Ảnh: Báo Lao động
Bản chất của giáo dục không đơn giản chỉ là các hoạt động trường lớp, giảng dạy và học tập hàng ngày nhằm truyền đạt kiến thức cho người học. Mà hơn thế, đó là một quá trình hình thành nên các giá trị về chân lý và khả năng nhận thức cái đúng, cái sai của mỗi người học thông qua các kênh học tập chính thống và phi chính thống.
Bên cạnh đó, giáo dục cũng được coi là một “tiến trình cuộc sống” giúp định hướng con người hướng tới những giá trị chung mà nhân loại thừa nhận, tạo nên một môi trường cho các hy vọng trong mỗi người đi học. Nhờ đó con người có thể gìn giữ được niềm tin về những gì tốt đẹp hơn trong xã hội.
Chính vì thế, những bất cập của nền giáo dục Việt Nam hiện nay ở nhiều cấp độ, như quay cóp (Phú Xuyên, Đồi Ngô), chỉnh sửa kết quả thi (Hà Giang và có thể ở một số địa phương khác), hay thậm chí đạo văn trong nghiên cứu khoa học (tại môi trường nghiên cứu) đang góp phần làm xói mòn niềm tin và hy vọng về một xã hội công bằng trong các thế hệ tương lai của đất nước.
Hy vọng giúp tạo ra năng lượng, kích thích khát vọng, tạo nên niềm tin về những việc đáng/nên làm. Đánh mất hy vọng, con người sẽ trở nên thờ ơ, bàng quan với những gì đang xảy ra cho xã hội. Như ai đó đã nói, “Một nền giáo dục tạo ra một đứa trẻ không có hy vọng là một nền giáo dục thất bại”.
“Sống chung” với các bất cập đang là lựa chọn của nhiều người. Bởi chúng ta hiểu rằng với khả năng hiện tại, sẽ rất khó để Việt Nam có thể một sớm một chiều khắc phục được những tiêu cực nảy sinh trong quá trình phát triển đất nước.
Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người chấp nhận để những tiêu cực này tồn tại mãi. Phản ứng có phần gay gắt của người dân về sự gian dối và bất chính trong giáo dục đang xảy ra ở Hà Giang hay bất kỳ đâu có thể được coi là hệ quả của niềm tin bị đánh cắp, như giọt nước làm tràn ly khiến họ hụt hẫng và bối rối.
Dư luận đánh giá cao những hành động kịp thời của Bộ GD&ĐT trong việc xử lý gian lận lần này tại Hà Giang. Tuy nhiên cũng như việc giải quyết các trường hợp gian lận thi cử những lần trước, cách tiếp cận vấn đề theo kiểu sự vụ luôn khiến cho ngành Giáo dục phải bị động chạy theo, vì không thể biết được sang năm tới, năm sau nữa… vấn đề tương tự sẽ xảy ra ở đâu.
Vòng luẩn quẩn này cùng những bất cập của chất lượng giáo dục nước nhà vẫn sẽ là bài toán không có lời giải chừng nào ngành Giáo dục vẫn chỉ chăm chăm tập trung vào các phương án thi cử, tuyển sinh. thay vì tìm ra hướng đi để trong một tương lai gần có thể tạo ra những con người đáp ứng được yêu cầu xã hội, vì sự thịnh vượng dài lâu của đất nước.
Sẽ có nhiều việc cần làm, nhưng trước hết, thay vì bận rộn với các đề án cải cách giáo dục qua các kỳ thi hàng năm để công bố tỉnh A có bao nhiêu điểm 10 hay thủ khoa khối D của tỉnh B là ai, phải chăng ngành giáo dục nên tiếp cận theo hướng dự báo và định hướng phát triển có tính chiến lược cho nguồn nhân lực Việt Nam. Theo đó xác định những kiến thức và kỹ năng then chốt nào cần được trang bị trong ngắn hạn, trung han hay dài hạn.
Dựa trên dự báo, các đề án cải cách bổ trợ liên quan đến cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, Phương pháp giảng dạy, thi cử, kiểm tra chất lượng giáo dục sẽ được xây dựng và triển khai có tính thực tiễn hơn.
Trần Văn Tuấn