Phú Quốc căng mình trong trận ngập lịch sử
Chiều ngày 8 và rạng sáng nay, 9/8, đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tiếp tục hứng chịu trận mưa lớn kéo dài khiến tình trạng ngập lụt tại đây vượt qua mức lịch sử.
Ghi nhận của PV Báo PLVN tại huyện đảo Phú Quốc, tính đến hôm nay là ngày thứ 7 liên tiếp trên đảo ngọc xảy ra tình trạng mưa vừa đến mưa to, ở các khu vực khu phố 10 thị trấn Dương Đông, ấp Bến Tràm, ấp Cây Thông Trong của xã Cửa Dương ngập sâu, trong đó có đoạn bị ngập sâu một đoạn dài đến 2km, nước ngập sâu tới 1m.
Ở một số đoạn đường lớn của Phú Quốc như đường 30/4, đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo… nước ngập ngang bụng, giao thông gần như tê liệt hoàn toàn, nhiều xe bị ngập gần tới yên, người dân không ra khỏi nhà.
Theo báo cáo nhanh của UBND Huyện Phú Quốc, tính đến hết ngày 7/08, tổng số nhà bị ngập nước là 3.874 căn, ước thiệt hại hơn 35 tỷ đồng. Các vật dụng và tài sản khác trong nhà người dân bị hư hỏng, thiệt hại hơn 31 tỷ đồng. Ngoài ra, còn thiệt hại về hoa màu, gia cầm và thủy sản. Tổng thiệt hại trong trận “đại hồng thủy” vừa qua ước tính khoảng hơn 68 tỷ đồng. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục thống kê số liệu thiệt hại do mưa ngập kéo dài.
Về nguyên nhân gây ra trận ngập lụt lịch sử, theo UBND huyện Phú Quốc nhận định là do tình hình biến đổi khí hậu, trong 4 ngày (2/8 đến ngày 5/8) lượng mưa lớn đổ xuống trong thời gian ngắn; đồng thời trùng với thời điểm nước biển dâng cao, khiến việc thoát nước từ sông, suối ra biển bị cản trở.
Hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2003; quy mô đầu tư thời điểm đó phù hợp với mật độ dân cư sinh sống thưa thớt. Nhưng hiện nay, tình hình Phú Quốc phát triển nhanh về dân cư, khách du lịch và sản xuất, kinh doanh của người dân phát triển nhiều hơn so với trước nên hệ thống hạ tầng về thoát nước đã quá tải. Do đó, việc thoát nước từ các khu dân cư, các cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân bị hạn chế.
Ngoài ra, các khu vực này hiện trạng trước đây có nhiều ao hồ tự nhiên để điều hòa khi nước thoát không kịp nhưng hiện nay đã được san lấp, hố ga thoát nước bị đầy, gây tắc nghẽn vì rác thải và đất, cát từ các công trình xây dựng, dốc núi.
Bên cạnh đó, địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm thay đổi hệ số mặt phủ, thu hẹp diện tích thấm cùng với tình trạng người dân tự ý xây dựng lấn chiếm sông, suối trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng đến việc thoát nước từ các dốc núi ra biển...
Về giải pháp khắc phục, theo UBND huyện Phú Quốc về lâu dài sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước cho toàn đảo; Nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông cho phù hợp với tốc độ phát triển của huyện Phú Quốc như hiện nay; Xây dựng kè chống lấn chiếm Rạch Ông Chì, rạch Somaco, sông Dương Đông; Nghiên cứu đầu tư Hồ Điều tiết khu vực thị trấn Dương Đông; Cùng với đó là vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, chính người dân phải trực tiếp tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước, không vứt rác, không xây dựng công trình lấn chiếm kênh, rạch, suối…
Ngoài ra, từ ngày 9/8, Hội Chữ thập đỏ thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang) sẽ hỗ trợ mỗi ngày 2 bữa cơm trưa và chiều cho người dân gặp khó khăn trong vụ ngập cho đến khi nước rút, cho cuộc sống người dân ổn định.
Tính đến thời điểm hiện tại (chiều 9/8) tại Phú Quốc vẫn đang mưa rất to và chưa có chiều hướng giảm. Hầu như tất cả các lực lượng đều đã được huy động để ứng cứu người dân.
Ngày 2 - 9/8, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (từ cơn bão số 3 suy yếu) hầu hết trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xảy ra mưa dông, gió giật mạnh. Riêng tại huyện đảo Phú Quốc, lượng mưa được trung tâm Khí tượng thủy văn Kiên Giang đo được trong 4 ngày đầu là hơn 500mm. Đỉnh điểm nhất là trong ngày 05/09 (lượng nước mưa lên tới 264,5 mm). Đây là lượng mưa kỷ lục diễn ra trong thời gian ngắn.