Phú Quốc chỉ định thầu dự án 4.000 tỷ: Ngỡ ngàng năng lực nhà đầu tư

Đại gia Nguyễn Viết Tuấn, người đứng sau đơn vị được chỉ định thầu dự án hơn 4.000 tỷ đồng ở Phú Quốc đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận.

Chỉ định thầu dự án hơn 4.000 tỷ đồng

Ngày 9/9/2024, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký ban hành Quyết định 2462/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Bãi Thơm, TP. Phú Quốc.

Theo đó, căn cứ Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất của Tổ chuyên gia, đồng thời, theo đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc (bên mời thầu) và Tổ thẩm định thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, người đứng đầu tỉnh Kiên Giang quyết định đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thái Phú Toàn (viết tắt là Công ty Thái Phú Toàn).

Phía sau hoạt động kinh doanh kín đáo của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Viết Tuấn là một hệ thống doanh nghiệp quy mô lớn, bao phủ trên khắp các thị trường bất động sản tiềm năng từ miền Trung đổ vào phía Nam, như Hà Tĩnh, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang (Ảnh minh họa)

Phía sau hoạt động kinh doanh kín đáo của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Viết Tuấn là một hệ thống doanh nghiệp quy mô lớn, bao phủ trên khắp các thị trường bất động sản tiềm năng từ miền Trung đổ vào phía Nam, như Hà Tĩnh, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang (Ảnh minh họa)

Động thái của UBND tỉnh Kiên Giang khiến dư luận quan tâm bởi Khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Bãi Thơm là dự án trọng điểm của địa phương với tổng diện tích sử dụng đất lên tới 42,66 ha; có tổng mức đầu tư thực hiện dự án (dự kiến) là 4.173 tỷ đồng (bao gồm 205,5 tỷ đồng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng). Sau khi hoàn thành, dự án có khả năng phục vụ khoảng 1.200 - 1.600 khách/ngày; thời gian thực hiện là 5 năm.

Công ty Thái Phú Toàn giành chiến thắng dưới hình thức được chỉ định thầu. Sự việc đến giờ đã gây ra nhiều tranh cãi cho những người quan tâm khi Công ty Thái Phú Toàn vốn là doanh nghiệp ít tuổi, sức vóc và kinh nghiệm thực chiến không có nhiều.

Câu hỏi là các ông chủ đứng sau Công ty Thái Phú Toàn là ai? Họ sở hữu tố chất gì khác biệt để có thể vượt qua yêu cầu nghiêm ngặt về tư cách nhà đầu tư dự án "khủng" trị giá hơn 4.000 tỷ đồng ở thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam?

Khái lược về đại gia Nguyễn Viết Tuấn

Theo tài liệu của Báo Công Thương, Công ty Thái Phú Toàn thành lập ngày 30/1/2019, trụ sở đặt tại Khu phố 2, phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Từ khi chào đời tới nay, họ duy trì số vốn điều lệ khá lớn với 800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Viết Tuấn (SN 1964) là cổ đông lớn nhất góp 60% cổ phần, tương đương 480 tỷ đồng. Số tiền 320 tỷ đồng còn lại, được huy động từ ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1961) và bà Trương Thị Dung (SN 1962), với tỷ lệ cân bằng mỗi người một nửa. Ông Tuấn theo đó làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm đại diện pháp luật; bà Phan Thị Thu Thanh (SN 1976) làm Kế toán trưởng phụ giúp công việc cho ông.

Công ty Thái Phú Toàn - nhà đầu tư của dự án hơn 4.000 tỷ đồng của TP. Phú Quốc đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày (nhà nghỉ du lịch, khách sạn, căn hộ du lịch...). Tuy nhiên, sau 4 năm ròng rã từ ngày được thành lập, kết quả kinh doanh của Công ty Thái Phú Toàn vẫn gần như "bất động", không có bất cứ hoạt động làm ăn nào mà chỉ đang tồn tại tương tự một "xác sống".

Vẫn theo số liệu Báo Công Thương tiếp cận, năm 2019 - 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Thái Phú Toàn đều là số "0" tròn trĩnh. Nhờ thu lợi từ việc gửi tiền, họ có lãi ròng khoảng từ 20 - 44 triệu đồng mỗi năm. Tính đến hết năm ngoái, tổng số lãi lời của doanh nghiệp có vốn điều lệ 800 tỷ đồng là 119 triệu đồng, ngầm nói lên những ẩn tình khó giải đáp của nhà đầu tư dự án Khu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại xã Bãi Thơm.

Tổng tài sản của họ cũng đứng im ở mức 800 tỷ đồng, toàn bộ đều đến từ số tiền góp vốn cổ đông, tại ngày 31/12/2023. Dẫu vẫn biết, sứ mệnh ra đời của Công ty Thái Phú Toàn vốn chỉ có một, đó là trở thành nhà đầu tư của dự án hơn 4.000 tỷ đồng - một kế hoạch đã khởi động từ ngày doanh nghiệp được đăng ký thành lập năm 2019.

Vậy nhưng, chẳng lẽ Công ty Thái Phú Toàn được chính quyền UBND tỉnh Kiên Giang ưu ái tới nỗi sẵn sàng chờ đợi tận 5 năm trời, cật lực từng ngày tháo gỡ vướng mắc cho Công ty Thái Phú Toàn thông qua các đợt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư hòng đáp ứng yêu cầu pháp luật? Họ được chỉ định thầu tại dự án này, như đề cập phía trên.

Tiếp tục tìm hiểu về danh tính giới chủ Công ty Thái Phú Toàn, khá bất ngờ phía sau lối kinh doanh kín đáo của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Viết Tuấn lại là một hệ thống doanh nghiệp quy mô lớn, bao phủ trên khắp các thị trường bất động sản tiềm năng từ miền Trung đổ vào phía Nam, như Hà Tĩnh, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang.

Hành trình rong ruổi làm dự án

Ở Hà Tĩnh, ông Nguyễn Viết Tuấn là người điều hành cho Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Thiên Long, Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Tuấn (tiền thân là Công ty Cổ phần DNT Group), Công ty Cổ phần Đức Thành Thắng, Công ty Cổ phần D&N Can Lộc (địa chỉ cùng ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) và Công ty TNHH Thương mại TNC Group (xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên). Tại nơi đây, thương vụ đáng chú ý của ông Nguyễn Viết Tuấn là đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống tuabin gió trên mặt biển vùng biển xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh với công suất dự kiến 300 MW. Dự án trọng điểm, khai thác tiềm năng năng lượng gió có tên: Nhà máy điện gió Kỳ Nam.

Bên cạnh đó, ông Tuấn đang đề xuất xin làm dự án Khu dân cư và thương mại dịch vụ Thạch Kim. Tuy UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch dự án, song, trong quá trình UBND huyện Lộc Hà lấy ý kiến thẩm định đã phát hiện một số tồn tại, vướng mắc như: "Quy trình thực hiện quy hoạch chưa đảm bảo theo quy định Luật Đấu Thầu...", nên đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của ông Nguyễn Viết Tuấn "ách tắc" cho đến khi chính quyền địa phương hoàn thành việc rà soát, xử lý các vấn đề nảy sinh.

Hồi năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Tuấn (khi đó là Công ty Cổ phần DNT Group) bày tỏ tham vọng thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf 36 lỗ… với tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng, cũng cho thấy độ chịu chơi của ông Nguyễn Viết Tuấn và cộng sự. Văn bản xin khảo sát dự án trên diện tích 600 ha tại xã Yên Hòa, xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) của doanh nghiệp cho biết, mục tiêu của họ là hình thành nên khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển hiện đại, phù hợp với quy hoạch chung thị trấn Thiên Cầm cũng như đón đầu sự phát triển tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Với mục tiêu lớn lao dành tặng cộng đồng, nhóm của ông Nguyễn Viết Tuấn sớm nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 17/2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã ký Quyết định số 409/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf tại xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỷ lệ 1/500.

Trước đó, tháng 9/2021, Công ty Đầu tư Đức Tuấn cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Can Lộc về việc giới thiệu địa điểm, cho phép khảo sát và lập quy hoạch 1/500 Dự án Khu đô thị sinh thái Sunshine City tại thị trấn Nghèn với diện tích 33 ha. Hiện chưa rõ số phận các dự án đang "thai nghén" của đại gia Nguyễn Viết Tuấn tới đâu, tuy nhiên, việc ngày 15/10/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Văn bản số 6868/UBND-XD1 về việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị tại thị trấn này là động thái chào mừng rất cụ thể cho hoạt động đầu tư của ông Tuấn ở địa phương này.

Một trong những doanh nghiệp có số vốn sáng lập 2.600 tỷ đồng, thuộc diện cao nhất năm 2021 của tỉnh Hà Tĩnh từng nhận "mưa lời khen" - Công ty Cổ phần Tập đoàn D&N trong cuộc chơi bất động sản của đại gia Nguyễn Viết Tuấn - Bùi Giang Nam, Báo Công Thương sẽ tiếp tục đề cập trong một dịp khác.

Ở Kiên Giang, ngoài việc vừa trúng dự án đầu tiên nhưng có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Viết Tuấn còn cho lập thêm Công ty Cổ phần Đầu tư Đức Anh Phú Quốc, Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Minh Phú Quốc... Quan sát toàn diện, điểm chung phần lớn các doanh nghiệp của ông Nguyễn Viết Tuấn là chưa có những hoạt động cụ thể đáng chú ý nào. Chúng chỉ có vai trò là những cơ sở "thường trực" đóng chân trên địa bàn, nhiều khả năng cùng chung sứ mệnh theo chân các ông chủ rong ruổi khắp nơi để đề xuất thực hiện dự án bất động sản sử dụng quỹ đất rộng lớn của địa phương.

Số đơn đề xuất nộp lên không ít, song đổi lại số lần họ thuyết phục thành công nhà chức trách chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vân Oanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phu-quoc-chi-dinh-thau-du-an-4000-ty-ngo-ngang-nang-luc-nha-dau-tu-346759.html