Phú Quốc: Thủ đoạn 'phù phép' biến đất rừng thành đất nhà

Kinhtedothi – Hàng chục hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) trên địa bàn xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc (Kiên Giang), diện tích trên 235 nghìn m2 có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện, hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra làm rõ.

Thủ đoạn xét duyệt nguồn gốc

Qua điều tra sơ bộ, nhiều hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ trên địa bàn xã Cửa Cạn có nguồn gốc đất do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, các đối tượng đã “cố ý làm trái” khi hợp thức hóa các giấy tờ như: Đất có nguồn gốc, có thành quả lao động (được Ban ấp xác nhận), sau đó, được thông qua Hội đồng xét duyệt của xã rằng đất đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ. Bước đầu cơ quan điều tra đã xác định được 10 vụ “hô biến” đất công thành đất tư, trong đó, 5 hồ sơ đã được UBND TP Phú Quốc cấp sổ đỏ.

Xã Cửa Cạn nơi có 10 bộ hồ sơ xét duyệt nguồn gốc đất sai quy định. Ảnh: Hữu Tuấn

Xã Cửa Cạn nơi có 10 bộ hồ sơ xét duyệt nguồn gốc đất sai quy định. Ảnh: Hữu Tuấn

Trong 10 bộ hồ sơ được xét duyệt nguồn gốc đất có 7 bộ hồ sơ tại tổ 5, ấp 2; 2 bộ tổ 3, ấp 3 và 1 bộ tổ 4, ấp 4 xã Cửa Cạn. Trong số đó, có những chủ đất được xét duyệt nguồn gốc và cấp giấy CNQSDĐ nhiều thửa như: Diệp Hùng Thanh và vợ Lê Thị Hồng Hạnh (3 thửa), Lương Quốc Nam (2 thửa) và 1 thửa đứng tên ông Phan Tuấn Du (cán bộ hợp đồng đo đạc của xã, nay đã chuyển công tác), còn lại là của ông Phan Hữu Hùng, Ngô Văn Tự và vợ Nguyễn Thị Lung, Văn Mến và bà Trương Anh Đào, Nguyễn Văn Long mỗi hộ 1 thửa.

Điều đáng nói, những chủ đất sau khi được xét duyệt nguồn gốc đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ đã "lại quả" cho cán bộ xã. Như ông Nguyễn Văn Long có đất ở Tổ 4, ấp 4, xã Cửa Cạn sau khi xét duyệt đất xong đã cấp cho ông Võ Duy Phong, cán bộ địa chính xã 1 phần đất xây nhà trọ cho thuê. Trong khi một số đối tượng rao bán hàng chục tỷ đồng...

Theo nội dung số thửa, giấy chứng nhận và thống kê theo phụ lục số 03 thì Giấy CNQSDĐ nói trên được cấp cho ông Lương Quốc Nam. Ảnh: Hữu Tuấn

Theo nội dung số thửa, giấy chứng nhận và thống kê theo phụ lục số 03 thì Giấy CNQSDĐ nói trên được cấp cho ông Lương Quốc Nam. Ảnh: Hữu Tuấn

Theo tìm hiểu của phóng viên, 10 bộ hồ sơ xét duyệt nguồn gốc đất có tổng diện tích 235.268,9m2, đã được thanh tra chuyển sang cơ quan điều tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, ông Võ Duy Phong - Cán bộ địa chính và ông Hà Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn biết rõ đất rừng tự nhiên do Nhà nước quản lý, nhưng đã "tự ý" ký xác nhận nguồn gốc đất cho 10 hộ dân. Đáng chú ý, các đối tượng còn đưa những người không liên quan vào lấy ý kiến ở khu dân cư.

Một "trùm" cò đất lâu năm trên địa bàn TP Phú Quốc cho biết, khi tình trạng sốt đất lên đến đỉnh điểm, người dân và người mua đất sẵn sàng bỏ tiền ra "nhờ" Ban ấp ký giấy xác nhận nguồn gốc và có đóng dấu. Tiền "bồi dưỡng" nhiều ít tùy theo giá trị lô đất, từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng mỗi phi vụ.

Cơ quan điều tra cho biết trên địa bàn xã Cửa Cạn, tại một số giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất thể hiện con dấu của Ban nhân dân ấp 4 và ấp 2, nghi là dấu giả.

Dấu hiệu bao che, buông lỏng quản lý

Những sai phạm trong việc xét duyệt nguồn gốc đất xảy ra ở Cửa Cạn chủ yếu rơi vào thời ông Du Việt Thanh làm Chủ tịch UBND xã (giai đoạn từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2022). Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng ông Thanh đã dung túng cho nhân viên làm sai trong việc xét duyệt nguồn gốc đất, cấp đất rừng cho cả những đối tượng không đúng và lặp đi lặp lại nhiều lần?.

Theo trưởng ấp 4, phần đất xây dựng dãy nhà trọ của ông Võ Duy Phong là thù lao do ông Nguyễn Văn Long chi sau khi hoàn thành xét duyệt nguồn gốc đất, ông Long đã bán cho người khác phần diện tích còn lại. Ảnh: Hữu Tuấn

Theo trưởng ấp 4, phần đất xây dựng dãy nhà trọ của ông Võ Duy Phong là thù lao do ông Nguyễn Văn Long chi sau khi hoàn thành xét duyệt nguồn gốc đất, ông Long đã bán cho người khác phần diện tích còn lại. Ảnh: Hữu Tuấn

Điển hình như: thửa đất số 338, tờ bản đồ 17, ở tổ 5, ấp 2, số giấy CNQSDĐ CL965924 ngày 30/10/2020 cấp cho ông Phan Tuấn Du ngụ ở khu phố 8, phường Dương Đông, TP Phú Quốc, thời điểm này ông Du chỉ là một nhân viên hợp đồng tại UBND xã, không có bất cứ một chức danh gì tại xã này nhưng vẫn ký xác nhận những biên bản liên quan đến nguồn gốc đất.

Tại Kết luận thanh tra số 10-KL-UBND ngày 2/3/2023 do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành ký, đã nêu rõ: Việc UBND xã Cửa Cạn xét duyệt nguồn gốc đất không đúng thực tế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong xét duyệt nguồn gốc đất, cấp giấy CNQSDĐ đối với 10 hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của cá nhân (như đã nêu ở trên), là vi phạm khoản 2 Điều 70, khoản 7 Điều 97 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Kết luận số 10 cũng chỉ ra rằng: Ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường thuộc UBND thành phố, Hạt Kiểm lâm thành phố và của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao; chưa chấp hành nghiêm các chỉ thị của UBND tỉnh, các văn bản chỉ đạo của UBND TP Phú Quốc về tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng; thậm chí có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý nên dẫn đến các hạn chế, khuyết điểm sai phạm.

Trong danh sách bị UBND TP Phú Quốc yêu cầu kiểm điểm do liên quan đến các sai phạm về quản lý đất đai giai đoạn 2018 – 2022, xã Cửa Cạn có các ông bà sau: Ông Phan Hoàng Tuấn (giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 11/2019) và Du Việt Thanh (giai đoạn từ tháng 12/2019-6/2022, nguyên Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã); ông Hà Việt Hùng (giai đoạn 9/2019 đến 6/2022), bà Trần Kim Chi (giai đoạn tháng 1/2018 đến 9/2021, Phó Chủ tịch UBND xã); ông Võ Duy Phong, Huỳnh Minh Nhựt, Tạ Hoài Việt (cán bộ địa chính), tất cả giai đoạn 2018 đến 6/2022.

Hữu Tuấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phu-quoc-thu-doan-phu-phep-bien-dat-rung-thanh-dat-nha.html