Phù sa vàng

'Cải vàng trổ bến sông quê/ gió thổi đôi bờ thương nhớ...'(*)

Minh họa: MD

Minh họa: MD

Mỗi lần về quê đi trên triền đê dài ngun ngút cỏ may, tôi không thể không dừng chân trước màu vàng da diết ấy.

Làng quê đổi thay nhiều. Người đi như bóng chim tăm cá. Duy chỉ có dòng sông và triền đê trải vàng hoa cải là vẫn chung tình với người con xa xứ... Một chút ưu tư, một chút thẫn thờ trước ngút ngàn hoa cải. Bờ sông ngàn ngạt gió cười gọi về kí ức một thời thơ bé vô ưu.

Ngày ấy, lũ trẻ trâu chiều nào chả tắm. Chỉ mặc độc chiếc quần đùi vá. Áo cởi ra để ở bờ đê, nhảy ùm xuống sông ngụp lặn, té nước vào mặt nhau, chí chóe, cười ha hả.

Có một lần do chiếc quần đùi quá cũ, tôi lên bờ chỉ còn độc chiếc dải rút, mà lại không thấy áo, tôi khóc bù lu bù loa. Chị con bác tôi chỉ về phía xa xa, nơi vạt cải xanh non ngăn ngắt chưa ngồng, nói: “Chúng nó giấu ở kia kìa!”. Tôi tồng ngồng chạy lên tìm, lũ trẻ khoái chí hét lên: "Ê... ê... cởi tru... ồng... lêu lêu"... Dòng sông mênh mang như hùa vào lời trêu trọc đồng vọng. Vài mảng bèo tây hoa tím ngắt dập dềnh trôi như con mắt sông hấp háy cười. Trời thu xanh thăm thẳm. Dòng sông mang mang hắt vàng lên nỗi nhớ...

Nhớ chiều ấy trong xóm có hai con trâu húc nhau, một con chết. HTX mổ thịt rồi chia cho tất cả các nhà. Tiếng kẻng đầu xóm vang lên, mọi người í ới gọi nhau. Sân kho đầu xóm nhộn nhịp hẳn lên. Một góc sân được dọn sạch bày la liệt những phần thịt trâu đặt trên lá chuối, dưới có ghi tên từng hộ gia đình bằng phấn trắng. Tôi đi lấy rong lợn ở ngòi về thì mẹ bảo: Con chạy quàng ra sân kho lấy thịt nhé rồi ra đồng lấy rau nữa!

Như mọi lần, tôi chạy ra ruộng phần trăm nhà mình để nhổ tỏi và hai củ su hào về xào. Ơ, nhưng sao hôm nay có tiếng thút thít. Tò mò, tôi rón rén lại gần vạt hoa cải thì thấy hai cái lưng ngồi quay mặt về sông.

"Thôi em đừng khóc nữa. Mai anh lên đường rồi. Em ở nhà thi thoảng sang an ủi đỡ đần thầy u giúp anh nhé!"

Hình như chị ấy lau nước mắt, rồi nói: “Vâng! Em sẽ chờ anh ba mùa hoa cải, nhất định anh phải về cưới em nhá!”

Anh ngắt một chùm bông cải cài lên tóc chị: “Ba mùa dài quá, anh chỉ hẹn em hai mùa cải thôi!”. Rồi họ cùng cười, ngồi sát nhau hơn. Hình như họ... hôn nhau. Tôi xấu hổ chạy một mạch về nhà.

Mùi thơm của tỏi tươi xào thịt trâu mới hấp dẫn làm sao. Hôm nay cả xóm đều như được ăn tiệc. Mặc dù biết rằng “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Thế rồi hai năm sau anh có tin, cũng đúng vào mùa hoa cải vàng rực. Nhưng đó là tờ giấy báo tử phũ phàng. Xã làm lễ truy điệu anh. Hai bác khóc ngất lên ngất xuống. Anh là con một, lẽ ra không phải nhập ngũ. Nhưng anh đã viết đơn xin tòng quân bằng máu của mình...

Chị không đến lễ truy điệu mà chạy ra bờ sông chỗ vạt hoa cải hai năm về trước. Chị ngồi như hóa đá... Gió đầu đông se lạnh. Những bông cải vẫn rực vàng trước hoàng hôn...

Hơn chục năm sau bác gái mất, không kịp nhìn tấm bằng phong tặng “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Còn chị, chị đi học lớp trung cấp y rồi về bệnh viện huyện nhà công tác. Nghe nói có nhiều người theo đuổi, mối mai, nhưng chị chẳng đồng ý ai. Mùa cải nào chị cũng về. Hái một bó, ngắt từng cánh thả xuống dòng sông quê. Heo may thổi những chùm hoa vàng trôi về miền thăm thẳm. Trong làng ai cũng biết chị vẫn thầm mong điều kì diệu sẽ đến.

Hình như với chị, anh đã trở về trên bến sông này. Vai khoác ba lô, tay cầm bó hoa cải vàng cười thật tươi nhắn chị: “Em ơi thôi đừng đợi/ mùa xuân đã vơi rồi/ chỉ tình anh vời vợi/ chưa một ngày quên em”... (*) Rồi anh đi như lướt trên sông thoắt về trời xa, như sương như khói. Chị bối rối. Chị có nghe thấy tiếng anh không? Tôi không biết.

Nhưng chị vẫn chờ và hoa kia vẫn nở...

Chiều dần buông, tôi cúi xuống ngắt một nhành hoa vê vê lá. Có vị hăng hăng đăng đắng, vị canh cá rô đồng bà nấu chiều nao. Đời người như một giấc mơ. Tôi và lũ trẻ tắm sông ngày xưa ấy bây giờ đã lên tuổi ông bà. Chị tôi vẫn không quên mùa hoa cải.

Thoảng trong gió chiều, da diết khúc ca ai hát như vọng về từ một nơi xa lắm: “Có một mùa hoa cải/ nở vàng trên bến sông”...

(*) Thơ Lê Phương Liên

Tản văn của Lê Phương Liên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/phu-sa-vang/29020.htm