'Phủ sóng' dịch vụ công trực tuyến

Mới đây, trong danh sách các Kho bạc Nhà nước (KBNN) cấp tỉnh thực hiện tốt dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong toàn hệ thống, KBNN tỉnh Thái Nguyên được xếp ở nhóm cao. Thực tế cho thấy, đánh giá trên là hoàn toàn có cơ sở.

Kết quả cho thấy, tính đến hết tháng 7-2019, KBNN tỉnh đã triển khai DVCTT đạt trên 95% kế hoạch đề ra. Nghĩa là, trong tổng số 1.373 đơn vị sử dụng ngân sách thì đã có 1.310 đơn vị thực hiện DVCTT. Tính từ đầu năm đến nay, tỉ lệ các hồ sơ, thủ tục được thực hiện qua DVCTT của KBNN tỉnh chiếm tới 50% tổng số các thủ tục (trung bình mỗi ngày có trên 600 chứng từ được thực hiện quan DVCTT của KBNN tỉnh). Theo đánh giá của lãnh đạo đơn vị này, DVCTT là hoạt động mang tính ưu việt cao, nhằm mục tiêu gia tăng hiệu quả cải cách hành chính trong hoạt động nghiệp vụ, đẩy mạnh cung cấp thông tin, dịch vụ công ở mức độ cao trên diện rộng. DVCTT sẽ góp phần tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, tiện lợi cho các chủ tài khoản trong giao dịch. Đây là mục tiêu mà toàn hệ thống KBNN nói chung và KBNN Thái Nguyên nói riêng hướng đến để thực hiện mục tiêu phát triển chính phủ điện tử.

Ngoài đẩy mạnh thực hiện tại KBNN tỉnh, các KBNN cấp huyện cũng quan tâm triển khai DVCTT đến các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn. Trong đó, làm tốt nhất là huyện Phú Lương (đạt 100%); huyện Đại Từ (đạt 99%); huyện Phú Bình (đạt gần 99%); huyện Định Hóa (đạt 98%)…

Đạt được kết quả này là do KBNN tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền về tính ưu việt, lợi ích sát sườn của DVCTT đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Bên cạnh đó, các khó khăn trong quá trình thực thi DVCTT của các chủ tài khoản đều được KBNN tỉnh quan tâm giải quyết kịp thời. Theo đánh giá của Phòng Kiểm soát chi (KBNN tỉnh), đến thời điểm này có thể nói KBNN tỉnh đã triển khai và thực hiện thành công DVCTT, điều mà không phải địa phương nào cũng làm tốt.

Theo một số chủ tài khoản, KBNN tỉnh đã rất linh hoạt trong triển khai DVCTT. Đơn vị đã cho phép các cơ quan sử dụng ngân sách giao dịch bằng phương pháp thủ công khi DVCTT gặp sự cố, nhất là vào những lúc cao điểm (cuối quý, cuối năm) hoặc đối với những món chi cần gấp. Đây là điều nhận được sự đồng tình cao của các chủ tài khoản vì DVCTT là hệ thống sử dụng công nghệ thông tin, nếu tải một lượng lớn cùng lúc sẽ rất dễ gây tắc nghẽn.

Thời gian qua, Báo Thái Nguyên cũng là một trong những đơn vị tham gia tích cực DVCTT của KBNN tỉnh. Mặc dù đây là chương trình mới, phần mềm đa dạng, cần hạ tầng đường truyền tốt và đòi hỏi cán bộ có kiến thức công nghệ thông tin…, song từ chủ tài khoản đến bộ phận phụ trách kế toán của Tòa soạn đã tích cực thực hành, thao tác giao dịch, bước đầu đáp ứng yêu cầu đề ra.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, KBNN tỉnh đang tích cực triển khai DVCTT đến các đơn vị chưa tham gia, phấn đấu kết thúc năm 2019, 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tham gia DVCTT. Hiện nay, cùng với KBNN, một số ngành đã triển khai thành công DVCTT trong giải quyết các thủ tục hành chính ở mức độ cao. Với kết quả này, tin tưởng rằng tỉnh ta sẽ sớm hoàn thành các mục tiêu về phát triển chính phủ điện tử.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/%E2%80%9Cphu-song%E2%80%9D-dich-vu-cong-truc-tuyen-266069-205.html