Mặt tối của internet đối với trẻ em: Đừng chỉ nhìn bề nổi của tảng băng chìm

Internet – một công cụ cách mạng hóa cuộc sống của loài người nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy khôn lường đối với các nạn nhân nhỏ tuổi, đòi hỏi phải có sự chung tay bảo vệ từ gia đình và xã hội, trong đó có những người làm báo, cầm bút viết về trẻ em.

Website Think U Know – một trang web định hướng của Australia dành cho phụ huynh nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những mối nguy hiểm tiềm tàng trên mạng xã hội, có đăng tải một đoạn video mang đầy tính ẩn dụ. Giữa bãi cỏ, một cậu bé tầm 10 tuổi với đôi mắt bịt kín, đang vui vẻ chơi đuổi bắt cùng một nhóm người đeo mặt nạ. Họ di chuyển thành vòng tròn xung quanh em, cố gắng không để cánh tay cậu bé chạm tới mình. Song, chỉ khoảng vài phút sau, thợ săn và con mồi bất chợt đổi vai. Vòng vây dần siết chặt lấy cậu bé và màn hình tối đen lại ở phút cuối.

Chuyên gia Fiona Bowden – người từng có 12 năm làm việc tại đài BBC trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, cho rằng đây chỉ là một video mang tính minh họa nhưng trên thực tế, mọi chuyện thậm chí còn đáng sợ hơn nhiều. Theo bà, thế giới càng phát triển, trẻ em dễ dàng trở thành mục tiêu của những kẻ quấy rối, bắt nạt và thậm chí là buôn bán nội tạng trên không gian mạng. Thay vì biết cách tự bảo vệ bản thân, chúng chơi đùa với người lạ mà không lường trước được hiểm nguy đang rình rập.

Trẻ em dễ trở thành đối tượng bị bạo lực và lạm dụng tình dục trên mạng. Ảnh: Getty

Trẻ em dễ trở thành đối tượng bị bạo lực và lạm dụng tình dục trên mạng. Ảnh: Getty

Những con số đáng báo động

Tại buổi tập huấn “Nâng cao kỹ năng đưa tin để chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng” được tổ chức ở Hà Nội ngày 4/10, ông Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam đã đưa ra những con số đáng báo động về thực trạng này.

Năm 2020, Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị lạm dụng (NCMEC) phải xử lý 32 triệu báo cáo liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng, đồng nghĩa với việc trung bình mỗi ngày có 90.000 báo cáo được gửi đến trung tâm này. Tháng 5/2021, Europol (Liên minh Cảnh sát Châu Âu) đã gỡ bỏ một trang web có nội dung lạm dụng tình dục trẻ em với hơn 400.000 người đăng ký.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam. Ảnh: Phú Thiện

Ông Nguyễn Ngọc Anh - chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam. Ảnh: Phú Thiện

Ngoài ra, báo cáo năm 2022 của Watch Foundation (IWF) cũng ghi nhận sự gia tăng gấp 3 lần hình ảnh trẻ em từ 7-10 tuổi bị những kẻ săn mồi trên Internet "nhắm mục tiêu và tung lên mạng" ở quy mô công nghiệp.

Thêm một thông tin đáng lo ngại mà Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF vừa chỉ ra trong thời gian gần đây là các vụ bắt nạt và lạm dụng tình dục trực tuyến thường có xu hướng chuyển mình sang châu Á, đặc biệt ở những vùng sử dụng tiếng Indonesia, tiếng Thái và tiếng Việt; thay vì chỉ tập trung ở những khu vực nói tiếng Anh như trước.

Một cuộc khảo sát của UNICEF với 13.000 người trẻ từ các quốc gia Đông Nam Á cho thấy, tại Việt Nam, chỉ có 5% cảm thấy thực sự an toàn trên mạng, trong khi 79% đối tượng được hỏi “không biết phải tìm kiếm sự trợ giúp ở đâu” nếu gặp phải những tình huống khó xử trên các nền tảng trực tuyến. Việt Nam được báo cáo là có tỷ lệ trẻ em bị bạo lực và lạm dụng tình dục mạng thấp nhất trong khu vực. Song, chúng ta vẫn không thể chủ quan.

“Theo thống kê của UNICEF, ước tính mỗi ngày có khoảng 750.000 nam giới tìm kiếm đối tượng lạm dụng tình dục trên mạng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Anh cũng chỉ ra rằng số liệu thống kê sẽ có những sai số nhất định, bởi đa số nạn nhân của những vụ việc như vậy thường có xu hướng giữ im lặng và ngại chia sẻ do tâm lý xấu hổ. Thậm chí, nhiều nạn nhân còn bị đổ lỗi bởi chính gia đình và xã hội đã tìm đến những biện pháp cực đoan như tự làm bị thương bản thân hoặc tìm đến cái chết.

Vì đâu nên nỗi?

UNICEF đã phân loại 4 mối nguy hiểm chính mà trẻ em thường xuyên phải đối mặt trên mạng. Theo đó, các rủi ro trực tuyến thường phát sinh khi các em tiếp xúc với những nội dung gây hại, trở thành mục tiêu của những đối tượng xấu, bị lợi dụng khi không có kỹ năng tự vệ và bị lừa tham gia vào giao dịch ảo.

Ngoài ra, còn có nhiều điểm giao thoa giữa những mối nguy hại này, ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết. Cụ thể, nhiều hình ảnh ghi lại cảnh trẻ em bị lạm dụng trực tuyến có thể được phát tán bị phát tán rộng rãi, khiến chúng bị cô lập ngay cả trong cuộc sống thường nhật. Ở một số quốc gia, trẻ em bị bắt phải thực hiện các hành vi tình dục hoặc bị lạm dụng tình dục trước webcam để đổi lấy tiền của các khách hàng “ảo”.

Nhìn chung, việc truy cập vào các “web đen” để xem, đăng tải hoặc lưu trữ những nội dung liên quan đến lạm dụng trẻ em tương đối dễ dàng. Theo chuyên gia UNICEF, chế tài quản lý những hành vi như vậy còn rất lỏng lẻo và thiếu tính răn đe lâu dài.

Chuyên gia Fiona Bowden. Ảnh: Phú Thiện

Chuyên gia Fiona Bowden. Ảnh: Phú Thiện

Đánh giá cao vai trò của gia đình trong việc giữ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng, chuyên gia Fiona Bowden cho rằng phụ huynh cần phải giữ tỉnh táo và trang bị đủ kiến thức để giải quyết những vấn đề có thể phát sinh.

“Nhiều phụ huynh có xu hướng nghĩ rằng trẻ em – nhóm đối tượng thường xuyên tiếp xúc và nhanh nhạy với các công nghệ, thiết bị thông minh, có hiểu biết hơn họ trên không gian mạng. Thật là một sai lầm lớn khi đánh đồng sự thông minh của một đứa trẻ chưa lớn và kinh nghiệm sống của một người trưởng thành. Trẻ em luôn cần được bảo vệ ở bất cứ đâu và phụ huynh cần phải làm đúng trách nhiệm của chính họ”, bà Bowden nói.

Hiện nay, các quốc gia châu Âu đã có một số trang web như Thinh U Know, eSafety Commissioner để phụ huynh có thể truy cập và cập nhật thông tin cũng như cách thức những mối nguy hại trực tuyến. Song, tại buổi tập huấn, chuyên gia này cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết rằng, ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, đây vẫn là những mảnh ghép còn thiếu.

Theo bà Bowden, trẻ em thường có tính tò mò và điều này khiến chúng khám phá những nội dung mới lạ, bao gồm những nội dung khuyến khích lạm dụng chất gây nghiện, thù hận chủng tộc, bạo lực hoặc các hành vi bất hợp pháp. Những cú “click” không được có sự kiểm soát của người lớn, cộng với việc chưa phát triển đầy đủ về tư duy và hoàn thiện về đạo đức có thể khiến chúng trở thành “con mồi” của những kẻ đi săn, hoặc tệ hơn, có hành vi bắt nạt hoặc quấy rối tình dục đối với bạn bè đồng trang lứa.

Báo chí đang đứng ở đâu trong cuộc chiến bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?

Nhớ lại năm 2016, “Thử thách cá voi xanh” (Blue Whale Challenge) từng là hiện tượng mạng được nhà báo Galina Mursaliyeva phát hiện khi cô điều tra về hàng loạt vụ tự sát của một nhóm thành viên trên Vkontakte - một trong những mạng xã hội lớn nhất tại Nga. Sau đó, làn sóng “cá voi xanh” cũng nhanh chóng lan rộng ra khắp các nền tảng phổ biến khác trên toàn thế giới như Facebook, Instagram, Snapchat,…

Khi tham gia “Thử thách cá voi xanh”, trong vòng 50 ngày, người chơi sẽ phải làm theo những nhiệm vụ mà những “người quản lý” đưa ra, với mức độ từ dễ đến khó theo thời gian, cao nhất là tự sát. Đa số những người quản lý và người chơi đều ở độ tuổi đang đi học.

Chỉ đến khi báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều thiếu niên tham gia trò chơi này mới được cứu thoát. Theo chuyên gia Yu Cheng của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU (Liên Hợp Quốc), điều này cho thấy, bên cạnh gia đình, báo chí cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Theo bà Cheng, Liên Hợp Quốc đã đưa ra 6 quy định đối với các phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp với trẻ em, trong đó điều thứ 5 yêu cầu phải “có sự cho phép của trẻ em và người giám hộ trong quá trình quay phim và chụp ảnh tư liệu phỏng vấn”. Mục đích của yêu cầu này là nhằm giúp trẻ em và người giám hộ kiểm soát và kiểm duyệt nội dung trước khi chúng được đăng tải trên mạng và qua các phương tiện truyền thông.

Trong thời đại kỹ thuật số, không thể hoàn toàn tách trẻ em ra khỏi không gian mạng. Tham gia vào internet giúp trẻ em tiếp cận với tri thức, được giải trí và giữ liên lạc với vòng tròn xã hội. Chuyên gia Yu Cheng cho rằng trên vòng tròn ấy, vị trí của nhà báo, phóng viên là đứng ở giữa trẻ em, gia đình và nhà trường, đóng vai trò là người cung cấp thông tin chuẩn mực, chính xác, góp phần bảo vệ trẻ em khỏi mặt tối của không gian mạng.

“Internet giống như bề nổi của tảng băng chìm. Nhiệm vụ của nhà báo là đào sâu vào sự thật ẩn dưới những lớp băng và truyền tải sự thật ấy đến với thế giới. Nâng cao nhận thức về những mối nguy hiểm của internet là phương pháp tốt nhất để bảo vệ trẻ em khỏi chúng”, bà Cheng nhấn mạnh.

Diệp Thảo/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mat-toi-cua-internet-doi-voi-tre-em-dung-chi-nhin-be-noi-cua-tang-bang-chim-post1126145.vov