Phú Thiện nỗ lực xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua, công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số được huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, sự nỗ lực của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), phong trào học chữ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Xã Ayun Hạ có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60% dân số. Trước đây, địa phương từng gặp nhiều khó khăn trong công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ. Tuy nhiên, nhờ chương trình “Toàn dân học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”, nhiều lớp học xóa mù chữ đã được triển khai.

Người dân xã Ia Piar tham gia học xóa mù chữ. Ảnh: Phan Đương
Chị Kpăh H’Ngan (làng Plei Ơi) vui mừng cho biết: “3 tháng qua, mình tham gia lớp học xóa mù chữ ở làng. Giờ đây, mình đã biết đọc, biết viết họ và tên của mình, còn biết nhắn tin điện thoại cho mọi người nữa. Với những từ chưa biết đọc, mình nhờ con gái chỉ cho”.
Còn chị Ksor H’Reo (làng Plei Ring Đáp) thì chia sẻ: “Trước kia, mình không biết đọc, không biết viết, đi chợ cũng phải nhờ người đọc giúp. Nhờ học lớp xóa mù chữ được 3 tháng, nay mình đã viết được tên, đọc được biển báo. Mình rất vui và tự tin hơn nhiều”.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương là người đã nhiều năm gắn bó với các lớp xóa mù chữ ở xã Ayun Hạ. Cô Phương cho hay: “Khó khăn nhất là việc vận động bà con đến lớp. Nhưng khi họ thấy lợi ích thực tế thì tinh thần học tập rất cao. Có lớp học viên là người từ 18 tuổi đến hơn 60 tuổi, ai cũng chăm chỉ, chịu khó”.
Tương tự, tại xã Ia Piar, thời gian trước vẫn còn tình trạng nhiều người lớn tuổi vì điều kiện khó khăn, không có cơ hội đến trường nên không biết chữ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như việc tiếp cận thông tin và chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước thực trạng đó, Phòng GD-ĐT huyện đã chủ động phối hợp với Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị trường học mở các lớp xóa mù chữ ngay tại thôn, làng. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã đã mở được 3 lớp với hơn 130 học viên, phần lớn là phụ nữ và người lớn tuổi.
Ông Ksor Khanh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piar-cho biết: “Công tác xóa mù chữ không chỉ giúp bà con biết đọc, biết viết mà còn góp phần nâng cao ý thức tự giác trong lao động sản xuất, bảo vệ môi trường và chấp hành pháp luật. Chúng tôi xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển bền vững ở địa phương”.
Mơ Nai Trang là 1 trong 7 thôn, làng của xã Ia Piar đã mở được lớp xóa mù chữ. Ông Ksor Mliu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Mơ Nai Trang-thông tin: “Năm 2023, làng mở 1 lớp học xóa mù chữ. Buổi tối, sau khi xong việc gia đình, bà con lại tập trung đến lớp; ai nấy đều rất phấn khởi khi viết được tên mình, đọc được các thông tin cơ bản trong đời sống”.
Chị H’Ven (47 tuổi, thôn Mơ Nai Trang) tâm sự: “Ngày trước, mình không biết chữ, cầm tờ giấy mà không hiểu gì. Giờ đi học, biết đọc, biết ký tên, mình thấy vui và tự tin hơn. Mình còn dạy lại cho cháu 5 tuổi ở nhà nữa”.
Để duy trì và phát huy hiệu quả chương trình xóa mù chữ, Phòng GD-ĐT huyện phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, rà soát đối tượng, từ đó xây dựng kế hoạch mở lớp phù hợp với điều kiện từng địa bàn. Các lớp học thường được tổ chức vào buổi tối hoặc giờ rảnh rỗi, giúp học viên thuận tiện tham gia mà không ảnh hưởng đến công việc gia đình.
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện, từ năm 2024 đến nay, toàn huyện đã mở được 12 lớp xóa mù chữ với 399 học viên, phần lớn là người dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ 18 đến 60. Chương trình học được xây dựng phù hợp với thực tế đời sống, lồng ghép kiến thức cơ bản về tiếng Việt, Toán học, pháp luật, y tế, sản xuất nông nghiệp… giúp học viên dễ tiếp thu và vận dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó, tỷ lệ người biết đọc, biết viết được nâng lên.
Cùng với việc duy trì các lớp học hiện có, huyện cũng chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sau học tập, nhằm ngăn chặn tình trạng tái mù chữ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong việc vận động bà con đến lớp.
Trao đổi với P.V, ông Phan Công Đương-Trưởng phòng GD-ĐT huyện-cho biết: “Chúng tôi xác định xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí. Thời gian tới, ngành Giáo dục huyện tiếp tục tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, phối hợp với các tổ chức xã hội để nâng cao chất lượng lớp học xóa mù chữ, góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn”.