AI không phải là mối đe dọa, mà là cơ hội để nhà báo khẳng định, định vị mình
'Đừng tiếp cận AI bằng hai thái cực: hoặc thay thế - hoặc chống đối; hãy tận dụng nó như một phần không thể thiếu, nhưng đừng để mất đi bản chất của người làm báo' - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng chia sẻ.
Đây là một trong những thông điệp được đưa ra tại buổi tọa đàm "Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI (trí tuệ nhân tạo) sáng tạo nội dung càng giỏi" do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây.
AI không thể thay thế được cảm xúc của nhà báo
Theo TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, báo chí hiện nay đã hoàn toàn khác so với 10 năm trước; nếu nhà báo cũng chỉ đơn thuần là người lưu tin thì chắc chắn chúng ta sẽ bị thay thế. Nhưng AI không phải là mối đe dọa, mà là cơ hội để nhà báo khẳng định và định vị mình.

Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Việt Hà
TS Phan Văn Kiền nhấn mạnh, AI có thể tổng hợp nhanh các bản tin thể thao hay tường thuật một phiên họp Quốc hội. Nhưng nếu để viết một bài phân tích về chính sách, đặt ra vấn đề, phản biện và kiến giải – chỉ nhà báo hiểu nghề và có trải nghiệm thật mới làm được.
GS Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về Khoa học, Sức khỏe và Dữ liệu tại Đại học Bournemouth khẳng định, AI rất giỏi lấy thông tin có sẵn, lắp số liệu để hoàn thành tin, bài theo khuôn mẫu, định dạng do cơ quan báo chí yêu cầu, nhằm tối ưu thời gian cho các phóng viên. Số liệu của công cụ Heliograf cho thấy, một phóng viên Robot tự động tạo các bài báo về các chủ đề như thể thao và chính trị, có thể làm được 850 bài/ngày. Đây là số lượng tin bài khổng lồ, giúp tòa soạn tăng quy mô sản lượng.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Đức An lại chỉ ra rằng, AI có thể xử lý dữ liệu và thông tin quy mô lớn, tốc độ chóng mặt, nhưng AI không thể có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, trong tòa án, hay cuộc họp. AI có thể mô phỏng câu chữ, thậm chí sáng tạo nội dung nhưng không thể cảm nhận, không có xúc giác nghề nghiệp và không thể hiện được chiều sâu nhân văn.
“AI không thể tường thuật một vụ thảm họa như con người. Nó không ngửi được mùi đất đá, không thấy được ánh mắt của nạn nhân, không cảm được tiếng khóc. Nhưng nhà báo thì có” - GS Nguyễn Đức An nhấn mạnh.
Từ thực tế đó, GS Nguyễn Đức An nhấn mạnh: "Thay vì né tránh nó hay sợ hãi nó, chúng tôi đang nói rằng AI đã đến và sẽ ở lại, vì vậy cần bình tĩnh hơn trong cách tiếp cận AI”.

GS Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về Khoa học, Sức khỏe và Dữ liệu tại Đại học Bournemouth chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: Việt Hà
"Đừng sợ AI. Hãy sợ khi mình không phát triển"
Từ góc độ chính sách, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng cho biết, chỉ khoảng 34% phóng viên tại Việt Nam sử dụng công cụ như Google Analytics để phân tích dữ liệu độc giả. Trong khi đó, AI có thể cá nhân hóa nội dung theo từng nhóm bạn đọc rất hiệu quả. Người làm báo nên hiểu độc giả là ai, muốn gì, và đọc ở đâu.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Quang Đồng bày tỏ, đừng tiếp cận AI bằng hai thái cực hoặc thay thế – hoặc chống đối. Hãy sống chung và tận dụng nó như một phần không thể thiếu, nhưng đừng để mất đi bản chất của người làm báo. Trong một thế giới mà AI có thể “viết thay”, “nói thay”, “gợi ý thay” - điều duy nhất khiến nhà báo còn giữ được vị trí là năng lực tư duy độc lập, cảm xúc chân thật và dấn thân vào thực tế.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: Việt Hà
Cùng chung góc nhìn này, khi trả lời băn khoăn của sinh viên về thực trạng AI phát triển mạnh mẽ sẽ dần thay thế nhà báo, TS Phan Văn Kiền cũng nhấn mạnh: “Đừng sợ AI. Hãy sợ khi mình không phát triển. AI có thể thay thế bạn nhưng chỉ khi bạn không học hỏi và đổi mới. AI không thay thế nhà báo, nhưng có thể thay thế phiên bản nhà báo lười thay đổi. Mỗi người cần tự phát triển kỹ năng tư duy, phản biện và sáng tạo để khẳng định bản sắc cá nhân trong nghề nghiệp.”
GS Nguyễn Đức An cũng nhắn nhủ, “nhà báo hãy lấy sáng tạo làm kim chỉ nam". Theo đó, AI thiếu “trí tuệ xúc cảm” để kể chuyện báo chí một cách tinh tế, đầy sắc thái nhân bản. Đây là yếu tố làm nên thành công của nhà báo, phóng viên.
Bên cạnh đó, AI còn có thể mang tới nhiều rủi ro như gia cố các định kiến xã hội hiện hữu trong bối cảnh xã hội hiện có đầy những thiên kiến, bị giới hạn về chủng tộc, kinh tế... Đã có nhiều trường hợp bị ảo giác do AI cung cấp thông tin sai lệch.
Dẫn chứng cho nhận định này, GS Nguyễn Đức An cho biết, chỉ cần chat một dòng yêu cầu, AI đưa thông tin rất "đã" nhưng thực ra trật lất. Hiếm khi nào AI trả lời "không biết', hay "không chắc" mà đa phần tự tin trả lời, nhưng nhiều nội dung sai. Điều này dễ bị các tác nhân xấu lạm dụng để làm ô nhiễm môi trường thông tin.
Từ những phân tích về AI của thực tiễn quốc tế, GS Nguyễn Đức An cho rằng, AI sẽ không thay thế các nhà báo mà sẽ khiến sứ mệnh mang tới sự thật của nhà báo càng quan trọng hơn. Trong tương lai, tòa soạn vẫn gồm các nhà báo, máy tính, bút giấy và thêm công nghệ ứng dụng AI. Trong đó, con người kiểm soát AI, nhà báo “ra lệnh” cho AI thực hiện theo yêu cầu.
GS Nguyễn Đức An khẳng định, AI nhanh, mạnh, khả năng xử lý số liệu tốt nhưng "còn lâu mới bằng mình". Việc thử nghiệm AI cần mục đích rõ ràng, luôn cần có sự giám sát của nhà báo con người... Nhà báo nên lấy sáng tạo, đạo đức và lợi ích công chúng làm kim chỉ nam.

TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Ảnh: Việt Hà
Con người dạy AI, không phải AI tạo ra con người
"AI có thể mô phỏng câu chữ, thậm chí sáng tạo nội dung nhưng không thể cảm nhận, không có xúc giác nghề nghiệp và không thể hiện được chiều sâu nhân văn.
Hãy thử hình dung một vụ sạt lở đất ở Hà Giang, nhà báo có mặt hiện trường, ghi nhận tiếng khóc, ánh mắt hoảng sợ, mùi đất ẩm. Những điều đó AI không thể nào cảm nhận. Nó chỉ biết đọc lại bài báo mà nhà báo viết. AI không thể tường thuật một vụ thảm họa như con người. Nó không ngửi được mùi đất đá, không thấy được ánh mắt của nạn nhân, không cảm được tiếng khóc. Nhưng nhà báo thì có".
GS Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về Khoa học, Sức khỏe và Dữ liệu tại Đại học Bournemouth, Vương quốc Anh
Theo TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông,báo chí hiện nay đã hoàn toàn khác so với 10 năm trước. Nếu nhà báo cũng chỉ đơn thuần là người lưu tin thôi, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị thay thế. Nhưng AI không phải là mối đe dọa, mà là cơ hội để nhà báo định vị lại mình. AI chỉ thay thế được những người không biết tư duy phản biện, không biết đặt câu hỏi hay sáng tạo trong góc nhìn.