Phú Thọ: Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giúp phụ nữ nâng cao nhận thức
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Thọ xác định truyền thông, tuyên truyền là yếu tố cốt lõi trong việc thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền chủ chương, chính sách, giúp phụ nữ nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là nhiệm vụ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tại Phú Thọ, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai Dự án 8 - một phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia, nhằm xóa bỏ định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em tại các vùng khó khăn. Qua nhiều nỗ lực và sáng tạo trong công tác truyền thông, dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng.
Hội LHPN tỉnh Phú Thọ xác định truyền thông, tuyên truyền là yếu tố cốt lõi trong việc thực hiện Dự án 8. Các hoạt động truyền thông không chỉ tập trung vào nội dung bình đẳng giới mà còn bao quát các vấn đề cấp bách như phòng chống bạo lực gia đình, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản, luật hôn nhân & gia đình.
Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đa dạng hóa phương thức truyền thông, nhằm tiếp cận sâu rộng hơn với phụ nữ, đặc biệt là những người ở vùng sâu vùng xa. Hội phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương để lan tỏa thông tin, qua nhiều kênh như các phóng sự trên đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ, mở chuyên mục “Phụ nữ Đất Tổ” trên Báo Phú Thọ hay Fanpage “Phụ nữ Đất Tổ” trên mạng xã hội Facebook và các trang thông tin điện tử của Hội.
Hơn 3.150 bài viết, tin tức đã được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội và phương tiện truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Các bài viết tuyên truyền bằng ngôn ngữ song ngữ Việt - Mường, Việt - Dao giúp thông tin dễ tiếp cận và phù hợp với từng địa phương.
Hội Hội LHPN tỉnh đã thành lập 152 Tổ truyền thông cộng đồng (TTTCĐ) tại 5 huyện, 47 xã, 222 thôn trong khu vực thực hiện dự án. Mỗi TTTCĐ hoạt động như một "cánh tay nối dài" giúp lan tỏa thông tin và giải pháp đến từng gia đình, thôn bản. Các tổ được trang bị loa di động, tài liệu truyền thông và được hướng dẫn kỹ năng vận hành, quản lý. Nhờ đó, các TTTCĐ trở thành “hạt nhân” trong các hoạt động tuyên truyền cộng đồng, giúp thông tin nhanh chóng đến với người dân địa phương.
Trong thời gian qua, hội cũng tổ chức hơn 50 buổi tập huấn, với sự tham gia của cán bộ hội viên và các thành viên của TTTCĐ. Nội dung tập huấn tập trung vào kỹ năng tuyên truyền, xây dựng kịch bản sân khấu hóa, phương pháp truyền thông trực tiếp và gián tiếp, quản lý và vận hành TTTCĐ. Các buổi tập huấn không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn nâng cao khả năng tương tác của cán bộ truyền thông với người dân.
Bà Hoàng Thị Nguyệt Nga, Chi hội trưởng Hội LHPN xã Thượng Long, huyện Yên Lập, Phú Thọ cho biết, xã thường xuyên lồng ghép các công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, mô hình phát triển sinh kế cho phụ nữ… với các chương trình ngày 8/3, 20/10, trong các hội nghị tổng kết. Các cán bộ trong hội cũng thường xuyên đến tận các hộ gia đình để thực hiện các công tác tuyên truyền.
Các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc thay đổi khuôn mẫu giới trong gia đình, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong chăm sóc con cái, phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội. Sự tham gia của nam giới trong các hoạt động này góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình và nạn tảo hôn.
Với những tác động tích cực từ các hoạt động tuyên truyền, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại các địa phương có xu hướng giảm. Việc nâng cao nhận thức thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, lớp học kỹ năng, diễn đàn thanh niên đã giúp người dân hiểu rõ hơn về hậu quả của các tập tục này.
Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã thành lập 21 Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường THCS vùng miền núi. CLB này tạo sân chơi an toàn, nơi trẻ em có thể tham gia các diễn đàn, trò chơi tìm hiểu kiến thức, hùng biện, chia sẻ kinh nghiệm và học tập kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Các em học sinh được trang bị kỹ năng phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng tự vệ và bảo vệ bản thân.
Việc triển khai Dự án 8 tại tỉnh Phú Thọ đã mang lại những thành quả to lớn trong việc xóa bỏ định kiến giới, phòng ngừa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em. Các phương pháp truyền thông, tiếp cận sáng tạo và bền bỉ của Hội LHPN tỉnh Phú Thọ không chỉ tạo ra sự thay đổi về nhận thức, hành vi trong cộng đồng mà còn thúc đẩy sự vào cuộc của các cấp chính quyền và tổ chức xã hội.