Phú Thọ dành 20 tỷ đồng xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ tả sông Thao
Phú Thọ xử lý khẩn cấp kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để chống sạt lở tuyến đê tả Sông Thao, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Thao (đoạn qua xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao), tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và tiến hành xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở tại khu vực này với tổng số tiền 20 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện đến hết tháng 3/2024.
Việc tiến hành xử lý khẩn cấp kè hộ chân bằng đá hộc thả rời tạo cơ phản áp để chống sạt lở tại vị trí sạt lở nhằm bảo vệ an toàn tuyến kè Hợp Hải, giữ ổn định tuyến đê tả Sông Thao (đồng thời là Quốc lộ 2D), bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực.
Tỉnh Phú Thọ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thực hiện xây dựng công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng; khẩn trương chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư dự án theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, Chống Thiên tai; rà soát, tổng hợp trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bố trí kinh phí để thực hiện công trình khẩn cấp.
Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Thao phối hợp các đơn vị liên quan, duy trì thực hiện việc cảnh báo, lập chốt trực, tổ chức phân luồng giao thông (nếu cần thiết); thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; trường hợp phát hiện các hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn phải báo cáo ngay về Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của tỉnh; chịu trách nhiệm thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) để bảo đảm tiến độ thi công xây dựng công trình khẩn cấp; tiếp nhận và quản lý công trình sau khi công trình hoàn thành theo quy định…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ, năm 2006, tuyến đê kè Hợp Hải (xã Hợp Hải cũ) đoạn tương ứng từ Km78+500-Km79+500 đê tả Sông Thao thuộc xã Phùng Nguyên ngày nay được đầu tư chân kè bằng lăng thể đá hộc, mái kè bằng đá hộc lát khan trong khung bêtông.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mực nước Sông Thao xuống thấp làm chế độ dòng chảy của sông thay đổi; phía bờ hữu có bãi bồi lớn chiếm 3/4 lòng sông làm mặt cắt sông bị thu hẹp, tạo dòng chảy xiết áp sát bờ tả, lòng sông trong khu vực bị xói sâu.
Bên cạnh đó, địa chất trong khu vực chủ yếu là đất cát pha, độ dính kết yếu, dẫn đến lòng sông tại khu vực tuyến kè Hợp Hải bị xói sâu hơn chân kè cũ từ 3-5m gây sạt lở chân kè với tổng chiều dài sạt lở khoảng 1.000m.
Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, phản ánh tình trạng sạt lở bờ sông Thao (đoạn qua xã Phùng Nguyên) diễn ra nghiêm trọng, uy hiếp đến tài sản và tính mạng của nhiều hộ dân sinh sống trong xã. Đoạn sạt lở có tổng chiều dài khoảng 1.000m (tương ứng từ K78+500-K79+500 đê tả sông Thao), cung sạt dài 150m khiến chân kè bị xói sâu, đỉnh kè xuất hiện cung trượt. Trong đó, đoạn km79+350-km79+500, điểm sạt lở chỉ cách Quốc lộ 2D vài mét. Sạt lở khiến 7 nhà dân bị ảnh hưởng, hai gia đình phải di dời gấp trong đêm 22/11./.