Phú Thọ dự kiến chuyển hàng trăm cơ sở dôi dư sang trường học, trạm y tế
Nhiều trụ sở, nhà đất dôi dư sau sáp nhập sẽ được tỉnh Phú Thọ chuyển đổi công năng thành trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…
Trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ. Ảnh minh họa
Trước hợp nhất, 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có 479 đơn vị hành chính cấp xã.
Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ còn 148 xã, phường, không còn chính quyền cấp huyện, nhiều cơ quan tỉnh hợp nhất, do đó có nhiều trụ sở làm việc dôi dư.
Tính đến giữa tháng 7/2025, tỉnh Phú Thọ rà soát và ghi nhận 1.021 cơ sở nhà, đất dôi dư.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã cho ý kiến đối với việc quản lý, xử lý các cơ sở này và giao cụ thể từng đầu mối quản lý, sử dụng tránh thất thoát, lãng phí; yêu cầu hoàn thành xong trước ngày 31/8.
Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ đã đề xuất nhiều phương án xử lý.
Theo đó, việc bố trí tài sản dôi dư được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên chuyển công năng làm cơ sở y tế, giáo dục, công an, quân sự và sử dụng vào các mục đích khác của địa phương như: Thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao…
Cụ thể, gần 120 cơ sở được đề xuất điều chuyển làm trụ sở cho các cơ quan nhà nước. Gần 300 cơ sở có thể chuyển đổi công năng thành trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... và khoảng 230 cơ sở khác sẽ được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.
Về bố trí trụ sở làm việc, tỉnh giữ nguyên mô hình 3 trung tâm hành chính vùng, đặt tại địa bàn ba tỉnh cũ nhằm tận dụng hạ tầng có sẵn và giảm tải cho khu trung tâm mới.
Các cơ quan như Báo và phát thanh, truyền hình tỉnh; Trường Chính trị tỉnh; Trung tâm Xúc tiến đầu tư; Ban Quản lý dự án sẽ hoạt động tại cả 3 khu vực.
Báo và phát thanh truyền hình Phú Thọ đặt trụ sở chính tại công trình Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc tại phường Vĩnh Phúc (thành phố Vĩnh Yên trước đây).
Công trình này được xây dựng mới, có tổng mức đầu tư là 458 tỷ đồng, gồm 15 tầng nổi, 1 tầng hầm, đủ chỗ cho khoảng 300 người làm việc.
Trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ dự kiến sẽ đặt trụ sở chính của các cơ quan: Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ; Ban Quản lý dự án vùng Vĩnh Phúc.
Đối với cấp xã, việc sáp nhập đơn vị hành chính không làm gián đoạn hoạt động công quyền.
Tất cả 148 xã, phường trên địa bàn đã được bố trí đủ trụ sở làm việc cho Đảng ủy, chính quyền, công an và các đơn vị sự nghiệp.
Hai phường là Vĩnh Phúc và Vĩnh Yên đang kiến nghị điều chỉnh địa điểm trụ sở cho phù hợp hơn với địa giới hành chính và nhu cầu hoạt động thực tế.
Theo thống kê, hiện vẫn còn 386 cơ sở chưa có phương án sử dụng, các địa phương được yêu cầu hoàn tất đề xuất trong tháng 8 tới.