Phú Thọ: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Thọ phấn đấu hết năm 2020 có thêm ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 300 khu dân cư nông thôn mới.
Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có thêm tối thiểu 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã trở lên; có 80% số khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có tối thiểu 10% số khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu)…
Theo đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động với phương châm “xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Những năm qua, thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn trong tỉnh đã có khởi sắc, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường.
Không những thế, kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh, đa dạng; chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển; nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, Phú Thọ bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm của các xã rất thấp, bình quân tiêu chí chỉ đạt 6,5 tiêu chí/xã, có 27 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 220 xã đạt dưới 10 tiêu chí và 51 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ đạt kết quả khá toàn diện, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra trước 3 năm; kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh đứng ở vị trí nhóm đầu và là tỉnh đầu tiên có huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong khu vực miền núi phía Bắc.
Với tổng nguồn vốn huy động đạt 12.640 tỷ đồng, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng. Các xã đạt tiêu chí nông thôn mới cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra: Giao thông đạt hơn 55%; thủy lợi gần 93%; giáo dục gần 91%; y tế 75%; văn hóa 90%; lao động có việc làm đạt 99%; cơ sở vật chất văn hóa 80,6%; hạ tầng thương mại nông thôn 87%...
Đến nay, tỉnh Phú Thọ có 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43%; 13/13 huyện, thành, thị có xã đạt chuẩn nông thôn mới; 166 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Lâm Thao đạt huyện nông thôn mới; thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí đạt 15,0 tiêu chí/xã. Không có xã dưới 7 tiêu chí...
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như tuyên truyền, vận động ở một số địa phương còn hạn chế; chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, việc xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế và khó khăn. Kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn có sự chênh lệch giữa các địa phương. Việc thu gom xử lý chất thải, rác thải, nước thải ở một số địa phương còn chưa tốt, gây ô nhiễm môi trường…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/phu-tho-no-luc-xay-dung-nong-thon-moi-tintuc459773