Phú Thọ: Nợ xây dựng cơ bản của tỉnh khoảng 1.400 tỷ đồng

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, trong ngày 10/12, ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết, tính đến ngày 30/11/2024, nợ xây dựng cơ bản của tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh nhiều năm rà soát xác định rõ số nợ xây dựng cơ bản của các cấp ngân sách, đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2025, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công, cũng bố trí thứ tự ưu tiên số 1 là bố trí trả nợ xây dựng cơ bản.

 Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Báo Phú Thọ).

Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Báo Phú Thọ).

Đến thời điểm 30/11/2024, nợ xây dựng cơ bản của tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh là khoảng 340 tỷ, cấp huyện khoảng 1.100 tỷ. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ cũng đã đề nghị các huyện rà soát lại trong kế hoạch đầu tư công và trung hạn để đảm bảo nguyên tắc chỉ bố trí cho các dự án hoàn thành mà đã có quyết toán, các dự án chuyển tiếp rồi mới đến các dự án bố trí mới.

Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm hơn đến xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để tránh phát sinh. Năm 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục rà soát từng nguồn vốn, nhất là các dự án hỗ trợ ngân sách trung ương, tiếp tục cắt giảm 35 dự án đã trình HĐND tỉnh để không phát sinh nợ. Ưu tiên bố trí trả nợ từ các nguồn thu của tỉnh để giải quyết cơ bản tình trạng nợ đọng trong thời gian qua.

Tại kỳ họp, ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra nguyên nhân giải ngân chậm của 4 dự án có tỉ lệ giải ngân vốn Trung ương dưới 30% so với kế hoạch Thủ tướng giao (gồm đường Xuân An - Trung Sơn (Yên Lập) kết nối Hồ Ngòi Giành; Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL 70B, QL 32C đi Yên Bái; Đường giao thông kết nối từ ĐT 323 đến QL 2, huyện Phù Ninh; Cải tạo nâng cấp tuyến đường nối ĐT 325B kết nối đường Hồ Chí Minh đi cầu Ngọc Tháp và tuyến đường cứu hộ cứu nạn).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lí giải, đây là những dự án được phép thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế, được bố trí tăng tiến độ của những năm 2022- 2023, dẫn đến việc bố trí vốn năm 2024 giải ngân chậm, các dự án đã thực hiện hoàn ứng vốn của năm 2023.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính liên quan đến chậm trễ trong bồi thường GPMB, nên hiện chưa có mặt bằng để thực hiện dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề nghị các chủ đầu tư, phối hợp với nhà thầu, đối với phần khối lượng đã ứng trước yêu cầu giải ngân trong năm nay. Còn phần kế hoạch năm 2024, đề nghị có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó, không chờ toàn tuyến mới thi công.

 Kỳ họp thứ Chín - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX (Ảnh: Báo Phú Thọ).

Kỳ họp thứ Chín - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX (Ảnh: Báo Phú Thọ).

Kết luận các nội dung chất vấn, Chủ tọa Kỳ họp đã chỉ ra nguyên nhân việc bố trí nguồn lực cho đầu tư chưa đảm bảo là do việc xác định nguồn thu giữa địa phương cấp huyện và tỉnh chưa phù hợp, chưa chính xác. Tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch thu của tỉnh năm 2025 giảm so với đề xuất để bố trí phù hợp. Khi có nguồn lực từ tiền đất thu được sẽ báo HĐND để bố trí trong thời gian sớm nhất để không bị nợ đọng xây dựng cơ bản. Chủ tọa cũng yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo chính xác toàn bộ số nợ xây dựng cơ bản của các cấp. Trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, các cấp chính quyền. Từ năm 2025, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát chi tiết tất cả các dự án ở tất cả các huyện để có định hướng cụ thể.

Phùng Thọ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phu-tho-no-xay-dung-co-ban-cua-tinh-khoang-1400-ty-dong-post324999.html