Phú Thọ phát triển nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng

Những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua các cơ chế, chính sách

Sản phẩm bưởi Đoan Hùng trưng bày tại hội chợ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sản phẩm bưởi Đoan Hùng trưng bày tại hội chợ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân thực hiện.

Qua đó, tỉnh ưu tiên xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Bưởi đặc sản Đoan Hùng từ lâu nổi tiếng khắp cả nước bởi mùi thơm đặc biệt, vị ngọt mát, vỏ mỏng, tôm mọng nước là món quà mà bất kỳ du khách nào khi đến Phú Thọ đều muốn được thưởng thức. Cũng chính về thế mà bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu đặc sản với tên gọi “Bưởi Đoan Hùng - Hương vị đất tổ.”

Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân trở thành tài sản quốc gia được nhà nước bảo hộ vô thời hạn, qua đó giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu bền vững trên cây bưởi.

Ông Vũ Khánh Hiệp, thôn 2, xã Phương Trung, huyện Đoan Hùng, cho biết gia đình có 750 gốc bưởi đặc sản, chủ yếu là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân, còn một số ít là bưởi diễn và bưởi Khả Lĩnh.

Theo tính toán của ông Hiệp, bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng. Nếu bán cùng 1 lúc cả 750 cây bưởi thì thu nhập ít nhất cũng được gần 1 tỷ đồng.

Đến hết năm 2018, diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt gần 4.000ha, tổng sản lượng ước đạt trên 21.000 tấn, trong đó, diện tích bưởi Đoan Hùng đạt trên 1.200ha.

Năm 2006, hai giống bưởi đặc sản Đoan Hùng là bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, công nhận là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Không chỉ có bưởi Đoan Hùng, cây bưởi Diễn cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh như Đoan Hùng, Thanh Sơn, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy... Tính đến nay diện tích bưởi Diễn toàn tỉnh đạt trên 2.000 ha, đưa tổng diện tích bưởi toàn tỉnh đạt 3.300 ha.

Cùng với cây bưởi, cây hồng không hạt đã được Ủy ban Nhân dân huyện Phù Ninh đã tiến hành dự án đầu tư phát triển hồng Gia Thanh giai đoạn 2012-2015 với diện tích trồng mới là 30ha. Đến nay, diện tích hồng không hạt trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ha.

Đến với đất Tổ Vua Hùng người dân trong cả nước không chỉ biết đến bưởi đặc sản Đoan Hùng mà còn biết đến một sản phẩm đặc sản đó là Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập.

Ông Khúc Ngọc Tung, Giám đốc hợp tác xã sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, cho biết những năm gần đây, với ý thức giữ gìn nguồn gen giống lúa quý và thấy được lợi ích từ đặc sản nếp Gà gáy được thị trường ưa chuộng, tìm mua, ngày càng có nhiều hộ dân tham gia trồng và nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hiện toàn xã có hơn 1.200 hộ làm nông nghiệp, trong đó số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy chiếm trên 70%. Năm 2018, diện tích lúa nếp Gà gáy đạt trên 70ha, với mức giá bán như hiện nay 45.000 - 50.000 đồng/kg đã tăng gấp 3-4 lần so với các loại lúa khác.

Nằm sâu trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã miền núi Xuân Sơn, huyện Tân Sơn là “vương quốc” của gà 9 cựa - giống gà có nguồn gốc trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh.

Đây là giống gà bản địa của người dân Tân Sơn, được nuôi chủ yếu ở xã Xuân Sơn và các xã vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn như Xuân Đài, Kim Thượng, Đồng Sơn, Tân Sơn.

Ông Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Sơn, cho hay gà nhiều cựa được nuôi trong môi trường bán hoang dã, chỉ cho ăn vào buổi sáng, sau đó gà tự lên rừng kiếm ăn, tối tự về, ngủ trên cây, trong thời tiết khắc nghiệt của vùng rừng sâu, núi cao nên gà lớn rất chậm, sau 1 năm nuôi, mỗi con chỉ đạt cân nặng 1,2-1,6kg gà mái, 2-2,2kg gà trống, thịt săn chắc, chất lượng thơm ngon, giòn và có vị ngọt khác hẳn các giống gà khác, giá thành luôn giữ mức từ 200.000-350.000 đồng/kg.

Giống gà này được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng, thường dùng làm quà biếu trong dịp lễ, Tết, với niềm tin đem đến may mắn cho gia chủ. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ chăn nuôi gà nhiều cựa. Tháng 5/2018, “Gà nhiều cựa Tân Sơn” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận.

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế, thuộc 6 nhóm về thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, vải và may mặc, dịch vụ nông thôn.

Trên cơ sở 42 sản phẩm đặc sản, đặc trưng có lợi thế của tỉnh, có 21 sản phẩm được lựa chọn dự kiến để tiêu chuẩn hóa nhằm phát triển sản phẩm theo phương châm mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP).

Đối với sản phẩm hàng hóa truyền thống và nông sản thế mạnh, tỉnh Phú Thọ có trên 20 sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ cho biết, thời gian tới để tiếp tục phát triển một số mặt hàng nông sản đặc trưng và có giá trị cao, Phú Thọ đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất, chế biến tập trung; huy động các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cuộc với nông dân và doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ sản xuất, lai tạo giống, thâm canh, bảo quản, chế biến đến hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu.

Tỉnh tạo đột phá về năng suất, chất lượng của các mặt hàng nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân; có cơ chế khuyến khích, đãi ngộ với các tổ chức, cá nhân có các sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.

Cùng với xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích cho những mặt hàng nông sản thế mạnh, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp... về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với sản xuất và thương mại sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hỗ trợ tạo lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc thù có lợi thế của tỉnh như chè, thủy sản, cây ăn quả có múi./.

Tạ Văn Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/phu-tho-phat-trien-nhan-hieu-san-pham-nong-nghiep-dac-trung/579041.vnp