Phú Thọ: Quả đặc sản chín sớm đem lại hiệu quả kinh tế cao

Xã Hùng Long đã trở thành địa phương nổi bật với việc trồng và phát triển loại cây vải chín sớm. Vải chín sớm có nhiều lợi thế hơn so với các loại vải khác và có thể tiêu thụ sản phẩm nhanh, nâng cao thu nhập góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Vùng đất Đoan Hùng nổi tiếng là đất trồng giống bưởi ngon, kỳ lạ thay mới đây mọi người còn biết đến huyện Đoan Hùng với một loại vải chín sớm được đánh giá rất xuất sắc, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi có lẽ với khí hậu phù hợp, đất đai màu mỡ, thì việc người dân đã thành công trồng loại vải chín sớm này không lấy làm lạ.

Người dân địa phương phấn khởi thu hoạch vải chín sớm đầu mùa.

Người dân địa phương phấn khởi thu hoạch vải chín sớm đầu mùa.

Theo ông Lê Văn Trọng người dân xã Hùng Long chia sẻ: "Giống vải chín sớm xuất hiện cách đây khoảng 60 năm, từ thời ngày xưa người dân mang giống từ Hải Dương lên khu vực xã Hùng Long (bây giờ) để trồng trọt làm kinh tế mới. Từ đó đến nay, người dân địa phương đã bảo tồn nhân giống loại vải này.

Trước khi tiêu thụ ra thị trường, sản phẩm được đóng thùng mang thương hiệu vải chín sớm Hùng Long, được chứng nhận Ocop ba sao.

Trước khi tiêu thụ ra thị trường, sản phẩm được đóng thùng mang thương hiệu vải chín sớm Hùng Long, được chứng nhận Ocop ba sao.

Như vườn nhà tôi rộng hơn 3ha, có khoảng 300 cây vải được nhân giống từ cây vải gốc ra trồng đến nay cây cao tuổi nhất cũng được 32 năm, năng suất mỗi năm cho gia đình tôi hơn 10 tấn vải. Đỉnh điểm đầu mùa, được giá bán 50 nghìn đồng/1kg về sau sẽ rẻ hơn do vải các nơi cũng chín vào mùa, tính ra mỗi năm nhà tôi thu nhập khoảng gần 400 triệu đồng. Việc chăm sóc cây vải rất đơn giản, chỉ mất khoảng 3 năm đầu chăm sóc kỹ càng những năm sau thì chỉ cần tỉa tót, sử dụng phân bón đơn giản".

Hình ảnh các gốc cây có tuổi thọ hơn 30 năm tuổi, thân hình xù xì, to một người ôm không hết.

Hình ảnh các gốc cây có tuổi thọ hơn 30 năm tuổi, thân hình xù xì, to một người ôm không hết.

So với các loại cây trồng vườn, không có loại cây nào có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây vải và chu trình trồng chăm có thể nhàn hơn. Mỗi lần thu hoạch gia đình tôi đã phải thuê gần chục người lao động làm công, trả công mỗi người 300 nghìn đồng/1ngày. Đầu ra của sản phẩm có các thương lái khắp nơi về tận vườn thu mua nên người dân cũng không quá lo lắng".

Theo ông Hà Hải Long, Phó chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng: "Trên địa bàn huyện Đoan Hùng hiện nay có duy nhất một xã trồng được loại vải chín sớm đó là xã Hùng Long, bao gồm 52ha diện tích vải chín sớm mà Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho nhãn hiệu vải đặc sản mang thương hiệu của huyện Đoan Hùng. Hiện nay, năng xuất đem lại khoảng 8 tấn/1ha, tổng sản lượng hàng năm đạt 430 tấn trên tổng diện tích trồng vải.

Vải năm nay được mùa, chín đỏ, to căng mọng, sản lượng đem về lớn người dân phấn khởi vui mừng.

Vải năm nay được mùa, chín đỏ, to căng mọng, sản lượng đem về lớn người dân phấn khởi vui mừng.

Ngoài ra, sản phẩm vải chín sớm đã đạt chứng nhận sản phẩm Ocop ba sao. Với điều kiện hiện nay, vải có giá trị tương đối cao ở đầu mùa bán khoảng 50 nghìn đồng/1kg, đấy là những cái thuận lợi cho vải chín sớm của Đoan Hùng. Với lợi thế như vậy, huyện cũng đang tích cực tuyên truyền người dân mở rộng diện tích vải chín sớm ra các địa bàn xã lân cận, để đem lại nguồn thu nhập cho người nông dân".

Đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm vải chín sớm Hùng Long, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh cấp cho giấy chứng nhận 10 cây vải gốc để từ đó lấy mẫu gen nhân giống trồng diện rộng. Nhằm phát triển nâng cao giá trị cây vải Hùng Long, Hội đồng nhân dân huyện đã ban hành nghị quyết hỗ trợ tiền cho hộ dân có diện tích trồng vải từ 1ha trở lên.

Đây là hỗ trợ đặc biệt, giúp người dân địa phương trồng vải chín sớm sẽ có thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây khác, từ đó mô hình phát triển kinh tế sẽ giúp bà con nhân dân xóa đói giảm nghèo.

Vải đầu mùa được bán giá đỉnh điểm 50 nghìn đồng/1kg.

Vải đầu mùa được bán giá đỉnh điểm 50 nghìn đồng/1kg.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Chủ tịch UBND xã Hùng Long cho biết: "Với khí hậu phù hợp, đất đai màu mỡ, người dân xã Hùng Long đã thành công trong việc trồng vải, tạo ra những trái vải có vị ngọt tự nhiên, vỏ mỏng, cùi dày, thơm ngon, khiến ai thưởng thức cũng đều thích mê. Chính vì vậy, vải nơi đây luôn được đánh giá cao về chất lượng, có giá trị thương phẩm cao, đem lại lợi nhuận lớn cho người trồng.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng vải, vùng đất này còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân giải quyết việc làm giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn. Những trái vải ngon, nổi tiếng còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng thức, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương".

Loại vải này mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo.

Loại vải này mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập xóa đói giảm nghèo.

Với sự nỗ lực và sáng tạo của người dân, vùng đất trồng vải lạ này ngày càng phát triển, trở thành một điểm sáng trong ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự thành công của những người nông dân cần cù, yêu nghề và luôn hướng tới sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, vải chín sớm còn giúp bà con tận dụng nhanh các thị trường tiêu thụ trong dịp đầu vụ, từ đó giảm thiểu rủi ro do thời tiết hoặc biến động giá cả, nâng cao thu nhập người dân, đồng thời cũng là một trong những mô hình trồng trọt để phát triển kinh tế địa phương xóa đói giảm nghèo. Hình thức trồng vải này còn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Hùng Long, giúp bà con yên tâm sản xuất lâu dài.

Kim Hương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/phu-tho-qua-dac-san-chin-som-dem-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-192250527131038437.htm