Phú Thọ tăng vượt bậc về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh
Với tổng điểm đạt 45,34, Phú Thọ đã vươn lên xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố của cả nước, tăng 32 bậc so với năm 2020 về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Đây là kết quả vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố.
Trong 8 chỉ số nội dung được đánh giá, tỉnh Phú Thọ có 5 chỉ số có điểm thuộc nhóm cao nhất đó là: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,54 điểm; công khai, minh bạch đạt 5,84 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,47 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 7,48 điểm; thủ tục hành chính công đạt 7,39 điểm.
Ba chỉ số có điểm trung bình cao là: Cung ứng dịch vụ công đạt 7,9 điểm; quản trị môi trường đạt 3,65 điểm; quản trị điện tử đạt 3,08 điểm.
Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính và các nội dung của chỉ số PAPI, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, tỉnh đã tăng cường triển khai cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, Hệ thống phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã và dịch vụ bưu chính công ích.
Phú Thọ kiên quyết không để xảy ra tình trạng hồ sơ đã được cá nhân, tổ chức gửi nhưng không được tiếp nhận, xử lý; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải trình, đối thoại với người dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề bức xúc của người dân.
Các đơn vị chú trọng các nội dung về quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù, về thu, chi ngân sách địa phương và các nội dung về chế độ chính sách cho người dân; kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.
UBND cấp huyện đã kịp thời tham mưu với cấp ủy cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống; nâng cao ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở, cùng tham gia vào phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan hành chính nhà nước.
PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do UNDP tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009. Chỉ số PAPI đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả, chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân./.