Phú Thọ: Thảo luận đề án phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tăng trưởng từ 8% trở lên
oàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Phú Thọ, An Giang, Quảng Ngãi đã thảo luận về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Quang cảnh tại buổi thảo luận.
Theo đó, thảo luận về đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ và cụ thể hóa các giải pháp do các chỉ tiêu tăng trưởng đã được điều chỉnh để các cấp, ngành, địa phương căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện; đánh giá tác động các vấn đề về xã hội, lạm phát, việc làm.
Đồng thời, phát huy nguồn lực công dẫn dắt đầu tư tư nhân, trong đó tập trung thực hiện triển khai các Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc về đất đai đã được thông qua tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 vừa qua, chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tài sản công nhất là tài sản là đất, nhà ở của các Bộ, ngành, các tập đoàn Nhà nước trên địa bàn cả nước… Cùng với đó tiếp tục xử lý hiệu quả tài sản của các cơ quan đơn vị được sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; tập trung xử lý, sắp xếp lại dứt điểm các đại dự án của Nhà nước còn đang dang dở để sớm giao cho các cơ quan, địa phương đưa vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, mục tiêu của dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường sắt đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng).
Cho ý kiến về thời điểm bắt đầu giải phóng mặt bằng, tái định cư, các đại biểu cho rằng theo tờ trình của Chính phủ, trong quý III/2025 bắt đầu thực hiện giải phóng mặt bằng, song hiện nay đã giữa quý I và phê duyệt dự án trong quý III năm nay thì các địa phương tiến hành thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư khá gấp và khó khả thi. Về nguồn vốn tái định cư tuy là ngân sách Nhà nước nhưng nếu phân cấp cho địa phương thì một số tỉnh miền núi sẽ hết sức khó khăn, nhất là các tỉnh chưa cân đối được ngân sách, do đây là dự án đặc biệt sử dụng chính sách đặc thù.
Về kiến trúc nhà ga, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định kiến trúc được thống nhất với địa phương và phù hợp với công năng sử dụng của từng địa phương. Bên cạnh đó, ngoài quy định khai thác vùng phụ cận của ga cũng cần có quy định tạo điều kiện cho các địa phương khai thác vùng ga và quy định rõ về trách nhiệm vận hành và kinh phí vận hành nhà ga để đảm bảo rõ ràng và hiệu quả sau khi dự án đưa vào sử dụng.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.