Phú Thọ: Tưng bừng lễ hội làng Hữu Bổ
Đã thành thông lệ, vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, người dân làng Hữu Bổ Thượng, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, lại nô nức tham gia hội làng.
Đất Tổ là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống với hàng trăm lễ hội tiêu biểu, gắn liền với yếu tố tâm linh. Bên cạnh những lễ hội có quy mô lớn, thu hút khách thập phương xa gần như lễ hội Đền Hùng, còn có những lễ hội mang tính làng mạc như lễ hội đình làng Hữu Bổ. Đây là nơi người dân tổ chức theo tục lệ để lưu truyền nét văn hóa vốn có tại địa phương mình.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_585_51471320/c5226e535f1db643ef0c.jpg)
Theo sử truyền và các cụ cao niên trong làng kể lại làng Kẻ Giỏ xưa thuộc xã Xứ Nhu nay được gọi là làng Hữu Bổ thuộc xã Phùng Nguyên có đình thờ Đức Thánh Vương Đinh Công Tuấn - một nhân vật lịch sử đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Triệu Đà thời kỳ Thục An Dương Vương (thế kỷ thứ 3 TCN).
Sau khi ông mất đi, dân làng đã xây cất lăng mộ, lập đền thờ ông tại Đình Hữu Bổ Hạ và Xuân Dung công chúa (mẹ của Đinh Công Tuấn) cùng với 4 vị tướng của ông là Đinh Công Dụng, Đinh Công Phương, Đinh Công Tuế, Đinh Công Thạch tại đình Hữu Bổ Thượng để ghi nhớ công đức và truyền lại cho con cháu muôn đời sau.
Theo ông Phan Duẩn - Trưởng Ban Tổ chức lễ hội năm nay cho biết: “Hội làng ngày nay dù có nhiều biến đổi, nhưng vẫn là một sinh hoạt mang đậm nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân làng Hữu Bổ, để con cháu trong làng được tụ họp dưới mái đình cổ kính, trang nghiêm, thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao cha ông từ thời khai sơn, mở nước; xây dựng xóm làng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Hội làng Hữu Bổ Thượng được tổ chức hằng năm diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng Giêng Âm lịch với hai phần lễ và phần hội, đặc biệt cứ 5 năm tổ chức rước một lần, thường tổ chức vào các năm chẵn.
Bà Nguyễn Thị Điểu năm nay đã 90 tuổi phấn khởi chia sẻ: “Tôi sinh ra, lớn lên ở làng Hữu Bổ. Từ nhỏ tôi đã quen với tiếng trống hội làng. Năm nào cũng vậy, Tết đến, Xuân sang người dân trong làng ai cũng mong đến ngày làng mở hội.”
Dù tuổi đã cao, chân cũng yếu, nhưng khi nghe tiếng trống hội, bà Điểu cũng như nhiều cụ cao tuổi khác trong làng đều chống gậy hòa vào dòng người đi rước hội.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_585_51471320/d37879094847a119f856.jpg)
Đặc biệt, trong ngày hội làng, những người con xa quê trở về dự hội rất đông. Đây là dịp để giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước cho nhân dân và các thế hệ mai sau.
Anh Lê Ngọc Quý (sống tại Hà Nội) được trở về quê hương đúng dịp hội làng, không giấu được niềm vui sướng: “Lần gần nhất tôi được tham gia hội làng Hữu Bổ là năm 2015. Theo tục lệ, nhẽ ra tổ chức vào năm 2020 nhưng vì dịch COVID-19 nên phải hoãn và chờ 10 năm mới được mở hội trở lại. Năm nay, Ban Tổ chức làm quy mô lớn với đầy đủ các hoạt động để con dân cháu làng từ già đến trẻ ai cũng được tham gia".
Nét nổi bật của lễ hội làng Hữu Bổ năm 2025 là lễ rước kiệu của 10 nhóm từ 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc hướng về đình làng. Kiệu hoa, kiệu rồng được các nhóm trong làng kỳ công tự tay làm nên, gồm kim ngân, lễ vật do trai tráng khỏe mạnh được lựa chọn kĩ lưỡng để khiêng kiệu dâng lên Đức Thánh.
Phần hội sôi nổi với các môn thể thao như bóng chuyền hơi, đá bóng, kéo co, đốt lửa trại... Các tiết mục văn nghệ tự biên đã diễn ra vui vẻ. Đặc biệt, là những làn điệu trống quân được các nghệ nhân và chính người dân Hữu Bổ biểu diễn nhằm khôi phục duy trì nét đẹp văn hóa Hùng Vương.
Tự hào với truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân, nhân dân làng Hữu Bổ đang xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu đẹp.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phu-tho-tung-bung-le-hoi-lang-huu-bo-a27892.html