'Phù thủy' tranh vải
Học mỹ thuật, làm mỹ thuật, suốt mấy chục năm, họa sĩ Trần Thanh Thục theo đuổi một dòng tranh riêng - tranh vải. Không bảng màu, không cọ vẽ, tình yêu với hội họa của Trần Thanh Thục gắn liền với những sắc vải.
Cần mẫn và đam mê, từng tầng màu, từng tầng hình cứ lần lượt hiện ra và những bức tranh vải của bà cũng cứ thế nối nhau ra đời…
Theo họa sĩ Trần Thanh Thục, mỗi mảnh vải khi được sản xuất ra đều đã qua tay một người họa sĩ. Bởi vậy, nó đã có tính mỹ thuật trong các họa tiết, màu sắc nên rất phong phú.
Có những mảng màu, nếu vẽ chưa chắc đã có thể thể hiện được rõ. Thế nhưng, cũng chính điểm này đôi khi cũng là bất lợi, bởi có những họa tiết, màu sắc cần dùng bà phải tìm kiếm vô cùng kỳ công.
Riêng một con đường
Từ thuở nhỏ, mỗi lần lẽo đẽo theo bố xách những xô màu lớn vẽ tranh cổ động trên tường, cô bé Thục đã bị mê hoặc bởi những sắc màu. Bố của cô là người đam mê và am hiểu nghệ thuật.
Những tháng ngày tuổi thơ bên bố đã dần nhen lên tình yêu hội họa trong cô gái thành Nam thuở ấy. Không có cọ, cô vẽ bằng bút trên vở, gạch non lên sân nhà và cả bằng que trên nền đất...
Có lần họa sĩ Phạm Quyền, bạn của bố cô đến nhà chơi, thấy những bức hình Thục vẽ, ông tấm tắc khen đẹp. Ông khuyên bố cô nên cho con gái theo ngành mỹ thuật. Và ông chính là người thầy đầu tiên đưa cô đến với hội họa...
Không phụ lòng tin của thầy và bố, năm 1976, khi 16 tuổi, Trần Thanh Thục đã trúng tuyển hệ trung cấp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Một dấu mốc, một bước ngoặt mới trong cuộc đời, mở ra cho chị một tương lai với bao ước mơ và khát vọng...
Năm 1981, khi về Nam Định nghỉ hè, nữ họa sĩ Trần Thanh Thục - lúc đó là một thiếu nữ 21 tuổi, ghé thăm một người bạn làm thợ may. Thấy có những miếng vải vụn đẹp bỏ đi, chị đã thử ghép thành một bức tranh phong cảnh làng quê để khoe với bố.
Chị cắt hình ngôi nhà, hình cây rồi lấy hồ dán lên tấm bìa. Tranh được bố khen và động viên làm tiếp. Hôm sau họa sĩ quay lại lục tung đống vải của cô bạn lên và sau ba ngày miệt mài thì cho ra đời một bức tranh về phố Nam Định. Tranh có cổng chùa, có dãy phố, có hàng cây và quan trọng là làm bố vui.
Khi nhận ra hiệu ứng thẩm mĩ bất ngờ từ những mẩu vải vụn, lại được sự cổ vũ động viên cả gia đình, Trần Thanh Thục bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn có họa tiết.
Ngày trước, vải vóc còn hiếm, họa tiết, hoa văn cũng nghèo nàn hơn bây giờ, nhưng bạn bè, người thân biết đam mê của chị, nên cũng thành thói quen, ai đi đâu thấy có vải vụn cũng xin về cho Thục làm họa phẩm...
Công đoạn làm tranh vải của họa sĩ Thanh Thục mấy chục năm qua không thay đổi, cũng chắp, ghép, tạo hình, mảng miếng, bố cục cho tranh. Có khác thì khác là trước đây bà phải nhờ người mua loại keo dán đặc biệt từ Đông Âu, nay thì dùng loại keo dán công nghiệp.
Bà kể, các công đoạn dán keo, miết vải phải làm bằng tay, có những mảng màu từ vải phải vừa đổ keo, vừa miết liên tục, nếu không sẽ làm hỏng bề mặt đặc biệt của mảnh vải. Mải miết làm, có ngày tỉ mẩn “ngồi tới 15,16 tiếng đồng hồ nhưng không thấy mệt”. Bởi đấy là đam mê của cả cuộc đời bà.
Đã bao nhiêu năm bà ngồi đó một mình trên căn gác nhỏ với đống vải vụn bao quanh. Từng mảnh vải từ nhỏ xíu cho đến lớn đều được bà nhìn ngắm nhìn, vuốt ve, chắt lọc và rồi tỷ mẩn cắt ghép lại thành những bức tranh.
Cái bản năng tỉ mỉ của phụ nữ, vốn kiến thức ở trường Mỹ thuật, trải nghiệm cuộc đời và cả những khát khao sáng tác trong khó khăn của thời bao cấp đã giúp bà tạo ra những bức tranh cắt vải đẹp đến nao lòng.
Những lớp keo trong suốt và cái kỳ công để tạo ra độ phẳng ưng ý cũng là điều mà bà phải tích lũy sau hàng chục năm làm tranh vải. Trên cái nền đầy biểu cảm đó, những sắc thái cảnh vật và con người như hiện dần lên xa hay gần, thực hay ảo, đa dạng đến khôn cùng.
Họa tiết dẫu “có sẵn” trong ngút ngàn đống vải nhưng nếu không có tâm hồn và bàn tay của người đàn bà đa cảm thì câu chuyện của những bức tranh đầy công phu ấy cũng không được kể ra.
Bà bảo, cái gì cũng có hết trên vải. Từ cái nhà đến cái cây, rồi bông hoa, ngọn cỏ, thậm chí đám mây, vệt sáng đều có thể tìm thấy, cắt ra từ các tấm vải đủ chủng loại. Vậy nhưng, để biến cái có sẵn đó thành những bức tranh đúng nghĩa thì lại không hề đơn giản.
Hàng chục lớp vải xếp tầng lớp chỗ thì phẳng, đoạn thì gồ ghề tùy theo cảm xúc cũng như tùy theo đề tài. Đôi chỗ, ta có thể bắt gặp chi tiết này rất quen nhưng vào tranh của bà lại có gì đó lạ lẫm.
Không có bất cứ một nét cọ nào được vẽ lên, nhưng trong hầu hết tác phẩm, ánh sáng và không gian lại đúng như được vẽ ra, được pha màu, được nhấn nhá một cách đáng nể phục.
Dung dị và bình an
“Tôi là người hoài cổ và yêu thiên nhiên vì thế những góc quê yên bình, những góc phố cũ, những miền núi xa xôi là đề tài tôi theo đuổi”. Và trong những khung cảnh đó hay có hình bóng của người mẹ bên con. “Là phụ nữ là được làm mẹ, là yêu con vô điều kiện vì thế nên tranh tôi luôn có hình bóng hai mẹ con”, bà nói.
Bức tranh bà yêu thích là bức “Ký ức quê ngoại” để tặng bố. Đó là bức tranh về một buổi trưa hè yên bình có nắng bên sân nhà, có giàn mướp vàng tươi, có sân gạch nong phơi, có giếng nước bên giàn đậu ván nở hoa tím, có người mẹ đội con lên đầu trong chiếc thúng.
Xem tranh ai đã từng ở quê phải xa quê thì sẽ nhớ lắm, muốn về ngay. Ai chưa biết quê thì sẽ hiểu và yêu quê. Cô đọng trong một bức tranh các hình tượng của làng quê như thế phải là tình yêu da diết lắm, là lắng sâu ký ức ngọt ngào.
Nói về chất liệu đặc biệt để “vẽ tranh” này, họa sỹ Thanh Thục cho biết, tranh vải vừa có nhiều lợi thế nhưng cũng có không ít bất lợi. Lợi thế bởi, mỗi mảnh vải khi được sản xuất ra đều đã qua tay một người họa sĩ.
Bởi vậy, nó đã có tính mỹ thuật trong các họa tiết, màu sắc nên rất phong phú. Có những mảng màu, nếu vẽ chưa chắc đã có thể thể hiện được rõ. Bởi vậy, khi sử dụng nguyên liệu này, họa sĩ Thanh Thục đã tận dụng được sự phong phú vốn có của nó.
Thế nhưng, cũng chính điểm này đôi khi cũng là bất lợi cho bà. Hạn chế của chất liệu vải không ít lần làm đứt mạch những đam mê ào ạt trong bà. Ấy là khi bà không tìm được một họa tiết ưng ý. Ấy là lúc bà muốn có thêm một mảnh nữa giống mảnh này mà không có hoặc không thể có…
Có những họa tiết, màu sắc cần dùng bà phải tìm kiếm vô cùng kỳ công. “Có khi mất cả nửa ngày tôi cũng không tìm ra được màu sắc hay chi tiết cần dùng cho bức tranh”, họa sĩ Thanh Thục tâm sự. Chính vì vậy, có nhiều khi bà phải mua cả cây vải may áo dài chỉ để lấy trong đó một hai chi tiết bằng bàn tay.
Hay có những lúc bởi trong cả hàng trăm tấm vải không tìm ra được chi tiết cho bức tranh, bỗng phát hiện trên chiếc áo đang mặc có họa tiết đó, bà sẵn sàng cắt ngay chiếc áo đó để “vẽ”.
Cũng chính vì sự đa dạng, phức tạp trong các mảng màu của vải mà mỗi sáng tác của bà thường không có phác thảo. Tranh nương theo những họa tiết đã có mà trôi chảy liên tục, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng kể từ lúc bắt đầu tới khi hoàn thiện.
Thậm chí, có lúc, tranh đã lên khung, không vừa ý dù chỉ một chi tiết, bà cũng tháo ra để bổ sung cho ưng ý. Tranh của bà đặc biệt phù hợp với gia đình, không phức tạp hay thách đố về nội dung. Nó hiện lên dung dị và cho cảm giác bình an kì lạ.
Bà nói, “tôi làm tranh với suy nghĩ rằng con người ta cần được nghỉ ngơi sau một ngày vất vả. Lao động vất vả rồi mà còn phải thách thức trí não mệt mỏi bằng việc xem tranh mỗi khi về nhà thì thật không nên”.
Miệt mài lao động nghệ thuật suốt mấy chục năm, năm nay, họa sĩ Thanh Thục đã tròn một “lục thập hoa giáp”, nhưng bà vẫn lao động hàng ngày bên cạnh niềm vui rằng cả hai vợ chồng cô con gái duy nhất cũng theo đam mê của mẹ - làm họa sĩ.
Tôi rất xúc động lắm khi nghe bà kể: “Mình thương mình, mình thương tình yêu và đam mê của mình. Vừa yêu vừa thương cái đam mê chưa trọn vẹn vì chưa đủ khả năng để nuôi nó, dành trọn vẹn thời gian cho nó”. Chính vì thế mà tác phẩm chị tâm đắc vẫn còn ở thì tương lai.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/phu-thuy-tranh-vai-5WDyHacGR.html