Tọa lạc tại xã vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Phủ Trịnh là di tích đánh dấu sự tồn tại của nhà Trịnh trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam, với sự hình thành chế độ "Vua Lê - Chúa Trịnh".
Xưa kia, Phủ Trịnh từng có diện tích hàng chục mẫu, chia làm nhiều khu vực với nhiều dinh thự lớn.">
Được xây từ năm 1545, Phủ Trịnh là nơi thờ cúng tổ tiên, cũng là hành dinh của Nhà Trịnh trên quê nhà Thanh Hóa trong công cuộc “phò Lê, diệt Mạc”. Là vương phủ lớn nhất xứ Thanh xưa. Xưa kia, Phủ Trịnh từng có diện tích hàng chục mẫu, chia làm nhiều khu vực với nhiều dinh thự lớn.
Khi quyền lực của chúa Trịnh sụp đổ năm 1787, Phủ Trịnh cũng bị phế bỏ, các công trình bị phá hủy theo thời gian. Ngày nay, khu phủ chúa nguy nga thuở nào chỉ còn lại một khu đất nhỏ với một điện thờ 5 gian hai chái.
Không gian trong điện thờ toát lên nét cổ kính với những hàng cột gỗ nhuốm màu thời gian, các bộ cửa võng chạm rồng cầu kỳ. Mỗi gian lại có một bàn thờ với tượng các vị chúa Trịnh được bài trí tôn nghiêm.
Gian trung tâm của điện thờ là nơi thờ Triết Vương Trịnh Tùng - con thứ của Trịnh Kiểm. Ông là vị chúa Trịnh đầu tiên trong lịch sử, bởi trước đó cha ông là Trịnh Kiểm chỉ mới được phong tước công.
Tượng chúa Trịnh Tùng là bức tượng lớn nhất, đặt ở vị trí cao nhất, phong thái uy nghi nhất trong các bức tượng ở Phủ Trịnh.
Dọc hai bên trái và phải của tượng chúa Trịnh Tùng là các tượng chúa Trịnh khác, tượng nào cũng đều ngồi trên ngai sơn son thếp vàng, áo mão sang trọng, tư thế và khuôn mặt không tượng nào giống tượng nào.
Các hiện vật đáng chú ý còn được lưu giữ ở Phủ Trịnh là hai con rùa đá chầu ở trong sân...
...Và một tấm bia đá sau lối vào. Có giai thoại nói rằng tấm bia có từ thời các chúa Trịnh, nhưng vì gặp biến nên chưa kịp khắc chữ.
Di tích Phủ Trịnh gắn với lễ hội thờ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, người có công sáng lập ra vương nghiệp Nhà Trịnh, lập nên một thể chế chính trị đặc biệt: Vua - chúa cùng điều hành đất nước, “vua trị vì, chúa chấp chính”.">
Di tích Phủ Trịnh gắn với lễ hội thờ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, người có công sáng lập ra vương nghiệp Nhà Trịnh, lập nên một thể chế chính trị đặc biệt: Vua - chúa cùng điều hành đất nước, “vua trị vì, chúa chấp chính”.
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ chúa Trịnh Kiểm (18/2 Âm lịch) con cháu dòng họ Trịnh cùng nhân dân, du khách thập phương lại tụ hội về, dâng hương chiêm bái.
Với những giá trị lịch sử - văn hóa to lớn của mình, Phủ Trịnh đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia của Việt Nam. Năm 2020 này, công trình sẽ trải qua quá trình trùng tu tôn tạo trên quy mô lớn.
Mời quý độc giả xem video: Văn hóa dòng họ - nét đặc sắc trong văn hóa Việt. Nguồn: VTC10.
Quốc Lê