Phu vàng và cuộc mưu sinh
20 năm qua, miền đông Senegal chứng kiến cơn sốt vàng tưởng như không bao giờ chấm dứt, khi nhiều người từ Tây Phi đổ xô đến để tìm kiếm vận may. Trong khi đó, tại Nam Mỹ, rừng mưa Amazon không chỉ bấn loạn vì cháy mà còn phải đương đầu với 'vàng tặc'.
Vùng đông Senegal từ lâu đã được coi là “đất hứa” khi có nhiều khoáng sản, nhất là vàng sa khoáng. Sâu bên dưới hầm mỏ, là những người bất chấp hiểm nguy tìm kiếm kho báu để mong có được một tương lai tốt đẹp hơn.
Những phu vàng “gặm” đất
Đến từ Guinea, Mohamed Bauoh, 26 tuổi, cho biết anh và nhiều người khác đã tìm đến những vùng đất xa xôi để tìm vàng. Hồi đầu tháng 4, họ đã dừng chân ở Bantakokouta - một thị trấn biên giới giữa Mali và Guinea. "Tôi đến đây tìm vàng vì khi bạn là một người đàn ông và gia đình không có tiền, cách khả dĩ nhất là bạn đi tìm kho báu ở nơi xa quê hương” - M.Bauoh nói. Chỉ một khu đất đầy những hầm hố, M.Bauoh nói thêm, bãi vàng này có hơn 1.000 người, “suốt ngày họ “gặm” đất như gặm một miếng pho-mát Thụy Sĩ vậy”.
Cách chỗ M.Bauoh không xa, vài nhóm phụ nữ túm tụm trong những mái lều tạm bợ làm từ cành cây. Họ phân loại đất đá thành hai nhóm, một là đất đá bỏ đi và một nhóm nhỏ hơn nhiều có khả năng chứa những vụn vàng. Họ cứ làm thế ngày này sang ngày khác nhưng không có gì đảm bảo rằng sẽ tìm được vàng.
Chính quyền địa phương cấm cản nhưng nạn khai thác vàng bất hợp pháp vẫn diễn ra, đặc biệt là việc dùng thủy ngân trộn với các mảnh vụn đá để chiết xuất vàng, gây hại cho môi trường. Mamadou Camara, người Senegal, vốn làm nghề thợ mỏ nay đã chuyển sang làm phu vàng cho biết, các địa điểm khác trong khu vực nhiều khả năng tìm thấy vàng đều đã bị các tập đoàn khai thác nắm giữ. Còn những “thợ săn” vàng tự do như anh khi đào được vàng thì đều phải bán sang tay cho những đối tượng buôn lậu với giá 40 USD cho một gam.
“Vàng đâu chưa thấy nhưng bệnh tật, nghiện ngập và những trận ẩu đả thì thường xuyên” - M.Camara nói.
Khổ đau chôn giấu trong rừng mưa Amazon
Còn ở một nơi cách rất xa Senegal, tại Brazil, cũng nóng bỏng vì nạn khai thác vàng bất hợp pháp trong rừng rậm Amazon ở khu vực Itaituba, bang Para. Đây cũng chính là khu bảo tồn bản địa lớn nhất của Brazil: Yanomami. Khoảng 3.272ha bị cày xới tính từ năm 2018 tới nay. Ngoài việc phá rừng thì việc khai thác vàng trái phép vàng còn dẫn tới sự bùng nổ bệnh sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác, cũng như sự gia tăng bạo lực đáng sợ đối với người dân bản địa.
Phu vàng còn bị gọi là “vàng tặc” được cho là có liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức, họ bị cáo buộc là đã đầu độc các con sông bằng thủy ngân được sử dụng để tách vàng khỏi trầm tích, đôi khi còn cả các cuộc tấn công tranh giành lãnh địa và sử dụng ma túy, cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Peru, nạn khai thác vàng trái phép đã tàn phá nặng nề nhiều diện tích rừng mưa Amazon. Peru là quốc gia Nam Mỹ được biết đến là nhà sản xuất vàng lớn thứ 6 trên thế giới. Hàng năm, việc xuất khẩu thứ kim loại quý này mang lại hàng tỷ USD cùng nhiều việc làm cho người Peru. Thế nhưng, 20% lượng vàng đang được khai thác ở Peru xuất phát từ những mỏ khai thác bất hợp pháp. Hoạt động khai thác vàng trái phép này đã gây tổn hại nghiêm trọng môi trường.
Tại đây, phu vàng cũng sử dụng thủy ngân để tách vàng khỏi đất đá. Thủy ngân sau khi sử dụng được đổ thẳng ra sông, với số lượng lên tới 40 tấn mỗi năm, khiến khu vực Madre de Dios từng nổi tiếng với sự đa dạng về sinh thái đã trở nên ô nhiễm trầm trọng. Người ta tính rằng, nếu nạn khai thác vàng trái phép chấm dứt thì cũng phải mất 100 năm sau cây cối mới có thể mọc trở lại trên mảnh đất này.
Vào năm 2015, trong một chiến dịch lập lại trật tự, cảnh sát Peru đã triệt phá 86 mỏ vàng khai thác trái phép gần một khu vực bảo tồn rừng nguyên sinh Amazon. Chiến dịch kéo dài 2 ngày được đích thân Tổng thống nước này phát động, với sự tham gia của cả quân đội và cảnh sát; thiêu hủy 37 máng đãi vàng, 25 động cơ và hàng trăm phu mỏ đã phải chạy trốn.
Theo đại diện quân đội Peru, chỉ trong vòng 3 năm, các khu mỏ này đã tàn phá 50.000 ha rừng nhiệt đới và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hóa chất độc hại từ hoạt động đãi vàng.
“Chúng tôi đã dùng trực thăng bất ngờ tràn tới một khu vực đào vàng, phá hủy mọi thứ để đuổi họ khỏi rừng. Bãi vàng La Pampa thuộc vùng Madre de Dios đã hình thành một thị trấn do những người đào vàng trái phép trong rừng lập nên để cư trú” - Mariala Valdez, một nữ cảnh sát cho biết thêm rằng số lượng động vật hoang dã và thợ mỏ ngộ độc thủy ngân tăng lên một cách rất đáng ngại. Theo một báo cáo của chính phủ, 76,5% người dân vùng Madre de Dios có nồng độ thủy ngân trong cơ thể cao hơn mức an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới quy định.
Sau đợt truy quét vào năm 2015, tháng 2/2019 nhà chức trách Peru lại huy động 1.400 cảnh sát và binh sĩ tham gia một chiến dịch nữa nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác mỏ trái phép tại vùng rừng Amazon. Luis Vera - sĩ quan Cục Cảnh sát môi trường quốc gia cho biết, chiến dịch được thực hiện ở cả đường bộ, đường không và đường thủy. Tuy nhiên, đến nay nạn khai thác vàng lại tái diễn với những khổ đau chôn giấu trong rừng mưa Amazon.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phu-vang-va-cuoc-muu-sinh-5714704.html