Phủ xanh bãi rác

Để phong trào này duy trì và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, nhiều địa phương mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ cây xanh.

Cây xanh ở bãi rác xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) được chăm sóc cẩn thận, đã lên xanh tốt

Cây xanh ở bãi rác xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) được chăm sóc cẩn thận, đã lên xanh tốt

Những năm qua, xác định được hiệu quả của việc trồng cây xanh mang lại, đồng thời diện tích đất trong các khu dân cư, khu công cộng bị thu hẹp nên các địa phương đã khuyến khích người dân, đoàn thể trồng cây xanh trên bãi rác. Điều này, vừa bảo đảm chỉ tiêu trồng cây của các địa phương, vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, năm 2016, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) xây dựng bãi chôn lấp rác thải tập trung tại các thôn Cát Hậu, Thị Xá và Phương Khê, diện tích từ 1.500-2.000 m2/bãi. Năm 2018, UBND xã Hồng Hưng giao Hội Nông dân xã tổ chức trồng cây xanh tại bãi rác thôn Cát Hậu. Hội Nông dân lựa chọn cây keo trồng xung quanh bãi rác, trên đường vào. Trong bãi rác khi có chỗ đầy, hội lại lấp đất lên trên, tạo mặt bằng tiếp tục trồng cây. “Sau hơn 4 năm trồng cây trên bãi rác, cây lên xanh tốt đã trở thành tấm lá chắn làm cho rác không bay ra khu vực xung quanh, giảm mùi hôi thối cũng như ruồi nhặng. Người dân đi làm đồng không còn kêu ca như trước đây nữa”, ông Đặng Văn Diện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Hưng cho biết.

Từ hiệu quả tại bãi rác thôn Cát Hậu, mùa xuân này, Hội Nông dân xã tiếp tục trồng cây xanh ở 2 bãi rác còn lại. Hội đã huy động được các "Mạnh Thường Quân" quyên góp, ủng hộ kinh phí mua 450 cây keo và sẽ trồng vào tháng 3 tới.

Khoảng 5 năm trước đây, các bãi rác ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) đã được trồng cây xanh xung quanh. Cây xanh cũng đã phát huy tác dụng trong việc giảm ô nhiễm môi trường, làm cho khu vực bãi rác thêm xanh, đẹp. Vì thế, năm nay, tại những khu vực rác đã đầy, xã sẽ lấp đất lên trên và thay thế 1.000 cây bị chết. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: “Cây càng nhiều thì càng có tác dụng bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm. Ý thức được điều đó nên chúng tôi sẽ quyết tâm phủ kín cây xanh, để bãi rác ở Hiệp Hòa không gây ô nhiễm môi trường”.

Việc chăm sóc cây xanh ở các bãi rác được chính quyền các cấp và người dân chú trọng thực hiện. Xã Quang Phục (Tứ Kỳ) đã thuê 1 người hằng ngày tưới nước, khi mưa bão cắm thêm cọc, buộc dây cho cây vững chắc, bảo vệ cây không để bị phá hoại. Khi cây lên xanh tốt, xã giao cho Hội Phụ nữ quản lý và chăm sóc. Hằng năm, hội bón phân cho cây lên xanh tốt, đồng thời cắt tỉa cành cây ảnh hưởng đến đường đi trong bãi rác, trồng bổ sung, thay thế cây bị chết... Ông Nguyễn Văn Thước, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Phục cho biết: “Hằng năm, xã đều dành một phần kinh phí trồng và chăm sóc cây xanh, trong đó có cây xanh ngoài bãi rác. Hiện cây xanh khu vực này đã lên xanh tốt, góp phần đáng kể bảo vệ môi trường tại địa phương. Hằng ngày, có nhiều cò, vạc đến khu vực này kiếm ăn chứng tỏ môi trường khá trong lành”.

Có thể khẳng định, việc trồng và chăm sóc cây xanh tại các bãi rác đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho môi trường ở các xã. Ông Nguyễn Đình Thường làm công tác thu gom rác thải tại thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) hơn chục năm nay. Ông cảm nhận rõ nhất sự thay đổi của bãi rác trước và sau khi trồng cây xanh. "Trước đây, mỗi khi ra bãi rác, nhất là vào những ngày nắng nóng, hoặc vừa mưa xuống tôi thấy mùi rác bốc lên rất kinh khủng. Đôi khi rác theo chiều gió còn bay xuống ruộng của người dân nên phải đi thu gom lại. Từ khi có cây xanh, mùi rác không còn nồng nặc như trước, đặc biệt là không còn tình trạng rác thải bay lung tung", ông Thường cho biết.

Hiệu quả của việc trồng cây xanh tại các bãi rác đã được khẳng định. Để phong trào này duy trì và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, nhiều địa phương mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ cây xanh.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/phu-xanh-bai-rac-226379