Phú Yên bám sát địa bàn chỉ đạo chống dịch

Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên, từ 17 giờ ngày 3/7 đến 8 giờ ngày 4/7, toàn tỉnh phát hiện 12 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Phú Yên phấn đấu mỗi ngày lấy 20.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

Phú Yên phấn đấu mỗi ngày lấy 20.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

Trong 12 ca nhiễm mới, huyện Sông Hinh 10 ca, Thị xã Đông Hòa 2 ca; có 2 ca Fl, F2 nghi nhiễm đang điều trị tại bệnh viện, 10 ca Fl, F2 đã được cách ly (thuộc vùng phong tỏa).

Như vậy tính đến thời điểm này, Phú Yên đã ghi nhận 280 ca nhiễm SARS-CoV-2; trong đó có một ca đã có một ca tử vong. Từ những ca nhiễm ban đầu tại thành phố Tuy Hòa, đến nay dịch Covid-19 đã lây lan nhanh ra 7/9 huyện, thị trong toàn tỉnh. Trong đó dịch đã xuất hiện tại các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với số người nhiễm nhiều, như huyện Sơn Hòa 42 ca, huyện Sông Hinh 22 ca...

Về công tác điều trị, trong tổng số 279 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện có 2 bệnh nhân nguy kịch (Bệnh nhân 14125 và một bệnh nhân mới vào viện, chưa có mã số). Bệnh nhân 14125 đang thở máy và lọc máu nhân tạo (không có bệnh nền); bệnh nhân chưa có mã số đang thở máy, hiện chưa khai thác đầy đủ bệnh sử vì chưa liên lạc được với người nhà.

Ngoài 2 bệnh nhân trên còn có 4 bệnh nhân viêm phổi nặng, (trong đó 3 bệnh nhân có bệnh nền, 1 bệnh nhân không có bệnh nền); 15 bệnh nhân viêm phổi mức độ trung bình và nhẹ; 258 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Tỉnh Phú Yên chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục truy vết, khoanh vùng, điều tra dịch tễ, tiến hành cách ly các đối tượng, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý ổ dịch theo quy định. Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, để phục vụ tốt cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay, tối thiểu mỗi địa bàn cấp xã có 1 đội lấy mẫu, thành phố Tuy Hòa số lượng nhiều hơn. Để đảm bảo năng lực lấy mẫu kịp thời, ngành y tế tập huấn đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm dựa trên các cán bộ, viên chức y tế có kinh nghiệm để phối hợp với các thành viên khác của địa phương để hình thành tổ lấy mẫu bảo đảm nhân lực hiện nay và đào tạo lực lượng lấy mẫu của địa phương phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 Phú Yên cho biết, khó khăn và hạn chế của tỉnh trong công tác chống dịch là về nhân lực và thiết bị y tế để xét nghiệm và điều trị bệnh nhân.

Những ngày qua, được sự hỗ trợ từ các địa phương như: tỉnh Khánh Hòa, Quân khu 5, Bệnh viện Trung ương Huế, CLB Thầy thuốc trẻ... đã giải quyết được khó khăn, tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả việc khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cũng như điều trị bệnh nhân. Cụ thể, các mẫu xét nghiệm khẳng định trong ngày không cần phải chuyển đến Bình Định hay Khánh Hòa để hỗ trợ, mà tất cả đều xét nghiệm tại chỗ. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm và mới tiếp cận vận hành máy móc, thiết bị nên vẫn còn hạn chế nhất định.

Với tinh thần khẩn trương khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm tại các khu cách ly, phong tỏa, tỉnh yêu cầu ngành Y tế phải nhanh chóng thích ứng, nâng cao năng lực, làm việc khoa học, ít nhất phải làm được 20.000 mẫu xét nghiệm/ngày. Những ngày tới, phải nâng cao hơn nữa, từ 50.000-60.000 mẫu/ngày để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hiện nay.

Một vấn đề đặt ra tiếp theo là những ngày qua, giữa ngành Y tế, các lực lượng hỗ trợ và các địa phương chưa có sự phối hợp ăn ý với nhau, chưa phát huy được hiệu quả. Ban chỉ đạo đã tổ chức họp khẩn để rút kinh nghiệm ngay. Yêu cầu ngành Y tế và các địa phương cần có kịch bản phối hợp cụ thể. Đối với dân cư các khu vực phong tỏa thì lấy mẫu toàn bộ (mẫu gộp) để xét nghiệm khẳng định bằng máy PCR; rà soát các khu vực phát sinh, nguy cơ cao tổ chức lấy mẫu test nhanh để tầm soát, khoanh vùng. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tuyên truyền vận động, có biện pháp đưa toàn bộ người dân đến để lấy mẫu tập trung. Khi tổ chuyên môn đến lấy mẫu mà không có người để lãng phí thời gian thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã có văn bản yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách, theo dõi địa bàn phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên đi cơ sở, bám sát địa bàn để nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch; chú ý chỉ đạo xây dựng kịch bản chi tiết cho các tình huống dịch bệnh ở địa phương; phối hợp chỉ đạo tổ chức phân bổ phù hợp, sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo: Hoạt động kiểm tra công tác phòng, chống dịch phải đến các xã, các thôn. Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch phải hết sức chặt chẽ. Những địa phương chưa có dịch cũng phải chuẩn bị sẵn sàng các tình huống ứng phó với dịch bệnh theo các cấp độ. Các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là các địa phương chưa có ca nhiễm trong cộng đồng. Xã này chưa có dịch thì hỗ trợ xã kia, huyện này chưa có dịch thì hỗ trợ huyện kia trên lĩnh vực y tế, an ninh trật tự…

Đồng chí Phạm Đại Dương yêu cầu nâng công suất xét nghiệm Realtime RT-PCR, nhanh chóng xác định các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa vào cơ sở cách ly y tế để điều trị, đồng thời khẩn trương truy vết, đưa các F1 vào cơ sở cách ly tập trung, khẩn trương khoanh vùng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, điều trị có hiệu quả những trường hợp mắc Covid-19. “Tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung và trong quá trình vận chuyển các F0, F1, ca bệnh nghi ngờ đi cách ly, điều trị”, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo. Không áp dụng biện pháp phòng, chống dịch cực đoan; căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương quyết định thiết lập vùng cách ly y tế để ngăn chặn dịch bệnh; một khi đã phong tỏa thì phải kiểm soát chặt chẽ. Sau khi xử lý khu vực có dịch, đảm bảo đủ điều kiện an toàn thì gỡ bỏ phong tỏa để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân và đứt gãy chuỗi sản xuất.

TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/phu-yen-bam-sat-dia-ban-chi-dao-chong-dich-653557/