Phú Yên - Đắk Lắk, tái lập mối 'lương duyên lịch sử' giữa hai vùng đất

Trước chủ trương của Bộ Chính trị về việc hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên thành một đơn vị hành chính mới, nhiều cán bộ lão thành cách mạng và người dân hai địa phương bày tỏ sự đồng thuận và kỳ vọng vào một tương lai phát triển hài hòa, bền vững, dựa trên nền tảng lịch sử gắn bó từ thời kháng chiến

Ông Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, người đã có hơn 50 năm công tác tại địa phương khẳng định, chủ trương sáp nhập hai tỉnh là một bước đi phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân: "Tôi thấy đây là việc làm rất hợp lòng dân của cả hai tỉnh. Những cán bộ từng hoạt động trong thời kỳ kháng chiến như tôi đều hiểu rất rõ mối quan hệ khăng khít, tình nghĩa giữa Đắk Lắk và Phú Yên. Trong kháng chiến chống Mỹ, Phú Yên đã trở thành hậu phương vững chắc, cung cấp lương thực, muối, gạo và nhu yếu phẩm cho Đắk Lắk. Ngược lại, Đắk Lắk cũng là điểm tựa chiến lược của Phú Yên từ hướng miền núi. Mối quan hệ ấy sâu đậm đến mức người dân từng lưu truyền câu ca dao: 'Sông Ba chảy xuống Đà Rằng/Ai yêu Đắk Lắk cho bằng Phú Yên.'"

Trong ký ức của những người lính từng vào sinh ra tử vì độc lập dân tộc, mối quan hệ giữa hai địa phương không chỉ là sự cộng sinh địa lý, mà còn là tình cảm đồng đội. Ông Bùi Văn Khiêm, cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch giải phóng Phú Yên năm 1975, hiện sinh sống tại Đắk Lắk, không giấu được sự xúc động chia sẻ: “Tôi từng đùa với anh em rằng tôi ước Đắk Lắk nhập với Phú Yên. Thật không ngờ điều ấy lại thành hiện thực. Tôi nhớ thời chiến tranh, từ Buôn Ma Thuột tôi hành quân xuống Phú Yên, đi rừng rồi ra biển, và tôi ước nay mai đường cao tốc đi dọc sông Ba mà xuống Đắk Lắk thì tình cảm rất tuyệt vời. Bây giờ ta sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên thì không có gì bằng mà ước mơ của tôi đúng thành sự thật.”

Thành phố Tuy Hoa, tỉnh Phú Yên đang đổi mới từng ngày - ảnh báo Phú Yên

Thành phố Tuy Hoa, tỉnh Phú Yên đang đổi mới từng ngày - ảnh báo Phú Yên

Một nhân chứng lịch sử khác, ông Tô Tấn Tài, còn gọi là Ama H’Oanh, nguyên Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột – sinh ra tại Phú Yên, nhưng đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng tại Đắk Lắk. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng sau ngày đất nước thống nhất và là một trong những cán bộ đặt nền móng cho phong trào cách mạng tại khu vực Lắk từ năm 1959.

Chia sẻ cảm xúc về quyết định sáp nhập hai tỉnh, ông bày tỏ sự vui mừng nhưng cũng không quên lưu ý phải coi trọng vấn đề đoàn kết nội bộ, tập thể: “Lo là lo làm thế nào nội bộ thông suốt, dân thông suốt, đoàn kết thực sự. Vì mình hơi phân vân, trước đây mình cũng có thời kỳ tách nhập một số tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Quảng Nam Đà Nẵng, Phú Yên Khánh Hòa. Nhưng hồi đó có lẽ là thời cơ chưa chín mùi, thứ hai nữa là công tác chuẩn bị tư tưởng cho dân chưa tốt nên xảy ra tình trạng mấy tỉnh có nhập lại đều có hục hặc. Giờ tin tưởng trong tình hình mới, với quan điểm của Đảng lãnh đạo chặt chẽ, làm tốt công tác tư tưởng cho nội bộ từ đó lan tỏa trong dân thì thấy cũng tốt thôi” - ông Ama H'Oanh tâm tư.

Bà Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, có cha người Phú Yên, mẹ người Đắk Lắk – nhìn nhận sâu sắc hơn ở khía cạnh văn hóa. Bà Niê Thanh Mai cho rằng, Phú Yên có văn hóa biển, Đắk Lắk đậm đặc sắc thái của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nếu biết khai thác tốt, đây sẽ là một nền tảng văn hóa đa dạng, phong phú, tạo cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật, phát triển du lịch và giao lưu văn hóa: “Chúng tôi rất kỳ vọng và mong muốn chúng tôi có thể bồi đắp cho nhau và chia sẻ những kinh nghiệm cho nhau cũng như có nhiều hơn tác phẩm về 2 lĩnh vực. Nếu như có những kế hoạch và chiến lược cụ thể thì các hoạt động sẽ rất đa dạng và phong phú trong thời gian tới.”

Ngã sáu, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Ngã sáu, trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Góc nhìn từ nhân dân cũng thể hiện sự đồng tình. Ông Nguyễn Song Thoại, Tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Bây giờ Đắk Lắk với Phú Yên là hợp lý, có núi, có biển, có thể văn hóa hai vùng mang đặc trưng riêng chứ kinh tế thì chỗ nào cũng làm ăn cả, bình thường.”

Hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đang bàn bạc, thống nhất nâng cấp Quốc lộ 29 nối giữa 2 tỉnh để thuận tiện đi lại - Ảnh Hoàng Tuyết

Hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đang bàn bạc, thống nhất nâng cấp Quốc lộ 29 nối giữa 2 tỉnh để thuận tiện đi lại - Ảnh Hoàng Tuyết

Sự hợp nhất giữa Đắk Lắk và Phú Yên không chỉ là quyết định hành chính, mà còn là sự trở về của một mối lương duyên đã từng rất đỗi gắn bó trong lịch sử kháng chiến. Với nền tảng địa lý bổ trợ, văn hóa phong phú và lịch sử gắn kết, tỉnh Đắk Lắk mới được kỳ vọng sẽ là một cực tăng trưởng mới ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, như các ý kiến đã nêu, yếu tố then chốt chính là sự đồng thuận trong nội bộ cán bộ lãnh đạo và sự đồng lòng từ nhân dân. Chỉ khi đó, quá trình sáp nhập mới thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp, tạo ra một không gian phát triển mới, hài hòa và bền vững.

Nam Trang/VOV - Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phu-yen-dak-lak-tai-lap-moi-luong-duyen-lich-su-giua-hai-vung-dat-post1192543.vov