Phú Yên mưa lớn bất thường, gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu

Từ 19 giờ ngày 22 đến 7 giờ ngày 24/2, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, có nơi trên 150mm... Mưa lớn trong những giờ qua khiến mực nước trên các sông trong tỉnh có dao động, riêng sông Bàn Thạch mực nước ở dưới báo động 2. Dự báo trong khoảng 6-12 giờ tới, lũ trên các sông Bàn Thạch có thể lên lại xấp xỉ mức báo động 2.

Mưa lớn gây ngập tại cầu suối Tràu, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, Phú Yên.

Mưa lớn gây ngập tại cầu suối Tràu, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, Phú Yên.

Trước tình hình mưa lớn bất thường, các địa phương đã chủ động ứng phó. Theo đó yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan chủ động sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, địa phương đơn vị.

Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy PCTT và TKCN) tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án ứng phó mưa lớn, lũ và ngập lụt, nhất là lũ trên sông Bàn Thạch (Bánh Lái) chủ động, triển khai thực hiện.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình thời tiết, diễn biến mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất... trên các phương tiện thông tin; tuyên truyền vận động người dân chủ động di dời sơ tán khi có yêu cầu tại các khu vực nguy hiểm, vùng trũng thấp, sạt lở đất,... đến nơi an toàn.

Theo thống kê sơ bộ, đợt mưa lũ trái mùa đã xảy ra ngập lụt cục bộ gây thiệt hại về sản xuất, cơ sở hạ tầng khác tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Có 3040 ha lúa đông xuân, 1.250 ha sắn, hoa màu tại các địa phương Đông HÒa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An... bị ngập, hư hỏng.

Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, để chủ động sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó, khắc phục kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Chủ động triển khai thực hiện các phương án bảo vệ sản xuất; đảm bảo an toàn công trình và đặc biệt các tuyến đê kè xung yếu và các công trình đang thi công dở dang ven sông, suối, ven biển...

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ; sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Chủ động sẵn sàng triển khai thực hiện các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất và các tình huống xấu có thể xảy ra và thường xuyên báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành ứng phó.

TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phu-yen-mua-lon-bat-thuong-gay-thiet-hai-nhieu-dien-tich-lua-hoa-mau-post861350.html