Theo dõi sát bệnh đạo ôn trên lúa để phòng trừ kịp thời

Thời tiết ở Hà Tĩnh đang có mưa ẩm, nhiệt độ thấp gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa xuân và tiềm ẩn phát sinh nhiều dịch bệnh.

Chú trọng chăm sóc lúa xuân

Vụ xuân năm nay, gia đình bà Phan Thị Hạnh (thôn Đông Vịnh, xã Cẩm Vịnh,TP Hà Tĩnh) gieo thẳng hơn 8 sào lúa các loại như: Bắc Thịnh, Khang Dân, VNR20,... Kỳ xuống giống tập trung gặp đợt rét đậm kéo dài kèm sương muối dày vào đêm và sáng sớm nên tỷ lệ hạt nảy mầm khá thấp. Hiện nay, bà Hạnh đang tập trung hoàn thành tỉa dặm kết hợp bón thúc đợt 1 cho lúa xuân.

"Thời điểm này đáng ra lúa đã bắt đầu sinh trưởng mạnh nhưng do đầu vụ gặp thời tiết xấu nên phát triển muộn hơn. Mấy hôm nay trời lại mưa rét nhưng tôi cũng tranh thủ tỉa dặm để hửng lên có thể bón thúc kịp thời"- bà Hạnh cho biết.

 Nông dân tập trung hoàn thành tỉa dặm số diện tích lúa còn lại.

Nông dân tập trung hoàn thành tỉa dặm số diện tích lúa còn lại.

Tại xã Tân Lâm Hương - địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất của TP Hà Tĩnh, bà con đang chú trọng chăm sóc, bón thúc đợt 1 nhằm kích thích lúa đẻ nhánh. Ông Trần Văn Mậu (thôn Bình Tiến, xã Tân Lâm Hương, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Vụ này tôi gieo cấy hơn 1 mẫu. Do gặp đợt lạnh dài trong tháng 1 và tháng 2 nên nhiều diện tích lúa có hiện tượng cây bị vàng lá, chậm tăng trưởng, vì thế, ngoài bón thúc đợt 1 tôi còn bón bổ sung thêm 2 đợt phân chuồng ủ hoai, thường xuyên duy trì mực nước ổn định trong ruộng”.

Với diện tích sản xuất hơn 5.400 ha, để đảm bảo vụ mùa “chắc thắng”, TP Hà Tĩnh đã xây dựng đề án sản xuất lúa vụ xuân với tinh thần chủ động, sát thực tiễn. Thành phố đã phối hợp với công ty thủy lợi và chỉ đạo các xã, phường vận hành trạm bơm, điều tiết nguồn nước thủy lợi và hệ thống kênh mương phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương bám sát tình hình sản xuất tại cơ sở, đôn đốc bà con nông dân thường xuyên ra đồng chăm sóc lúa xuân.

 Nông dân bón bổ sung phân chuồng ủ hoai, cung cấp thêm dưỡng chất để kích thích cây đẻ nhánh.

Nông dân bón bổ sung phân chuồng ủ hoai, cung cấp thêm dưỡng chất để kích thích cây đẻ nhánh.

Với ưu thế trong thực hiện cánh đồng lớn, tập trung, hiện nay, cơ bản các trà lúa trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đang phát triển tốt. Bà con tập trung hoàn thành tỉa dặm số diện tích lúa gieo thẳng còn lại, bón thúc phân bón đợt 1 giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung.

Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng) chia sẻ: “Tôi đã tỉa dặm xong, tập trung vệ sinh cỏ bờ, hoàn thành bón thúc đợt 1. Tuy nhiên, lượng mưa trong đợt này khá ít nên một số chân ruộng cao đã bắt đầu có dấu hiệu cạn nước. Bà con đang mong những ngày tới có một số đợt mưa với lượng lớn hơn để cung cấp thêm nước và “vitamin tự nhiên” nuôi dưỡng cây”.

 Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) bón thúc đợt 1.

Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên) bón thúc đợt 1.

Cùng với nông dân xã Nam Phúc Thăng, bà con các xã, thị trấn ở huyện Cẩm Xuyên cũng đang hoàn thành bón thúc đẻ nhánh đợt 1 và chăm sóc lúa xuân trên diện tích 9.500 ha lúa các loại. Huyện đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con tranh thủ thời tiết để bón thúc đợt 1, sử dụng các loại phân bón như: NPK, phân đạm, phân ka - li đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa, hướng dẫn bà con tuân theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái; thường xuyên duy trì mực nước đủ 3 - 5 cm trong chân ruộng.

Vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh sản xuất 59.200 ha lúa với cơ cấu các loại giống đại trà gồm: Bắc Thịnh, Nếp 98, Hà Phát 3, Nếp 87, HT1, Khang Dân đột biến, Khang Dân 18, Nhị Ưu 838, TH3-5, Thái Xuyên 111, Ly2099... và một số giống tiềm năng tiếp tục mở rộng diện tích gồm: HG12, VNR10, TBR97, ĐB6, ADI28, Hương Bình, Hana167... Hiện nay, cơ bản lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh tập trung.

Theo dõi diễn tiến bệnh đạo ôn lá

Theo điều tra của trung tâm ưng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã, bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện rải rác trên mạ và lúa gieo thẳng ở các trà gieo cấy sớm tại một số địa phương như: Đức Thọ, Thạch Hà, Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh... tập trung trên giống nhiễm như P6, Thái Xuyên 111, XT28, NX30,…

 Huyện Nghi Xuân tập trung kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân.

Huyện Nghi Xuân tập trung kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa xuân.

Ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân (Đức Thọ) cho biết: “Qua kiểm tra thực địa, đồng ruộng đã xuất nhiện một số vết bệnh đạo ôn lá gây hại nhưng tỉ lệ còn thấp. Tuy nhiên, xã cũng nhận định, thời tiết tiết Vũ Thủy - Kinh Trập (18/2 - 5/3) tiếp tục cơ bản duy trì hình thái nền nhiệt thấp, ít nắng, nhiều ngày mưa phùn, nồm ẩm sẽ còn tạo điều kiện cho các bào tử nấm gây bệnh đạo ôn phát sinh nhanh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thời kỳ này bà con tiến hành bón thúc giai đoạn đẻ nhánh, hàm lượng đạm tích lũy trong cây cao cũng là yếu tố thuận lợi cho bệnh lây lan. Xã đang tập trung theo dõi diễn tiến trên đồng ruộng nhất là đối với giống P6, Thái Xuyên 111…”.

Tại huyện Thạch Hà, hiện nay, lúa xuân cũng đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ. Đối với bệnh đạo ôn lá, một số vết bệnh đã xuất hiện ở các vùng gieo cấy dày, gieo cấy sớm. Chính quyền địa phương và ngành chuyên môn huyện Thạch Hà sẽ tiếp tục tăng cường công tác điều tra, khoanh vùng trên đồng ruộng để chủ động hướng dẫn bà con triển khai kịp thời các giải pháp phòng trừ, tránh lây lan trên diện rộng và ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa.

Ngoài ra, ốc bươu vàng phát sinh gây hại trên những chân ruộng ngập nước, ruộng không bằng phẳng, diện tích nhiễm 55 ha phân bố tại các địa phương. Chuột tỷ lệ trung bình 3 - 5%, nơi cao 5 - 7%, cục bộ 20% diện tích nhiễm 65 ha, phân bố ở Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên,…

Bọ trĩ, tuyến trùng rễ gây hại trên những chân ruộng thiếu và không chủ động nước, tỉ lệ 5 - 7%, nơi cao 10 - 15%, diện tích nhiễm 25 ha. Một số đối tượng như: rệp xanh, rệp đen, khô đầu lá, ngộ độc hữu cơ gây hại rác rác ở một số diện tích.

 Bệnh đạo ôn lá có nguy cơ phát sinh mạnh trong điều kiện thời tiết duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, ánh sáng yếu.

Bệnh đạo ôn lá có nguy cơ phát sinh mạnh trong điều kiện thời tiết duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, ánh sáng yếu.

Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Trong điều kiện thời tiết Hà Tĩnh còn duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, ánh sáng yếu, nhiệt độ trung bình 17 - 22 độ C như hiện nay, ngành chuyên môn, các địa phương cần chủ động công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo sớm các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ, trong đó tập trung các đối tượng như: bệnh đạo ôn trên lá, ruồi đục nõn hại lúa, chuột, ốc bươu vàng,...

Đặc biệt, hiện nay, các trà lúa xuân bước vào giai đoạn đẻ nhánh và đẻ nhánh rộ, đây được xem là giai đoạn mẫn cảm nhất đối với bệnh đạo ôn lá. Bà con nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn lá để có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh phát sinh ra diện rộng, gây hại lúa xuân nhất là trên bộ giống nhiễm như P6, ADI168, Thái Xuyên 111, XT28, Xi23, VNR20... và các vùng bệnh thường phát sinh gây hại. Để nâng cao hiệu lực phòng trừ bệnh cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” trong quá trình sử dụng thuốc. Phun thuốc phòng trừ bệnh khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá. Sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày, kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiến hành xử lý thuốc lần 2”.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/theo-doi-sat-benh-dao-on-tren-lua-de-phong-tru-kip-thoi-post283160.html