Phú Yên những ngày toàn quốc kháng chiến
Cầu Đà Rằng bị ta phá sập, quân Pháp phải co cụm ở Phú Lâm, không thể càn qua TX Tuy Hòa. Ảnh TL
Cách đây 75 năm, ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào, trong đó Người khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.
Buộc địch phải rút quân
Phú Yên là tỉnh có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (TQKC), bảo vệ vững chắc vùng tự do Liên khu 5. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn tỉnh tiến hành cuộc “phá hoại để kháng chiến” to lớn chưa từng có. Tất cả nhà gạch, ngói ở TX Tuy Hòa, các thị trấn, Nhà máy đường Đồng Bò và cả những nhà gạch lợp ngói ở nông thôn đều bị đập phá.
Các con đường số 1, số 5, số 6, số 7 đều bị đào phá thành hào, hầm chống xe cơ giới, chỉ chừa một lối đi nhỏ vừa cho người đi bộ. Đường xe lửa thì tháo gỡ đường ray, đắp ụ cản. Nhân dân quyết tâm làm cho giặc Pháp đến đâu cũng chỉ thấy đô thị tan hoang, nông thôn vườn không nhà trống (*).
Toàn tỉnh được chia thành 6 chiến khu. Trong đó, Chiến khu 1 gồm các xã hữu ngạn (phía nam) sông Đà Rằng do đồng chí Trần Châu làm Bí thư Ban Cán sự Đảng; đồng chí Phạm Ngọc Quế làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến.
Thực hiện chủ trương “toàn dân vũ trang”, Chiến khu 1 huy động dân công tháo dỡ máy móc Nhà máy đường Đồng Bò, lập công binh xưởng tại thôn Quảng Tường (xã Hòa Mỹ) sản xuất vũ khí đánh địch. Cùng với các trung đội, đại đội tập trung, các làng tổ chức lực lượng dân quân canh gác bố phòng chặt chẽ. Hội Phụ nữ duy trì và quản lý tốt “hũ gạo nuôi quân”… Toàn dân, toàn quân cùng chung chí hướng, đoàn kết một lòng, hăng hái lao vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Ngày 13/1/1947, từ vùng tạm chiếm Khánh Hòa, thực dân Pháp đưa trung đoàn chủ lực tinh nhuệ chia làm hai cánh quân ồ ạt tiến công ra mặt trận Đèo Cả và “đường mòn Gia Long” cũ, thực hiện âm mưu chiếm đóng đồng bằng Tuy Hòa. Quân địch bắt dân lùa trâu, bò đi trước để phá nổ bom mìn ta bố trí, gây khó khăn cho bộ đội ta chiến đấu. Sáng hôm sau, trước khi bộ binh tấn công, chúng cho máy bay ném bom, bắn phá hàng trăm quả pháo làm hư hỏng nhiều công sự của bộ đội ta.
Mờ sáng 15/1/1947, được Khu 6 tiếp viện hai đại đội chủ lực, quân ta tổ chức phản kích quyết liệt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chiếm lại một số vị trí ở phía nam đèo Cả. Quân Pháp bỏ lại trận địa hơn 420 xác lính. Mặt trận Đèo Cả vẫn giữ vững.
Sáng 16/1/1947, một trung đoàn Pháp đổ bộ vào Vũng Rô và Bãi Xép, kết hợp với cánh quân theo đường quốc lộ 1 và truông Gia Long cùng những con đường núi xuyên qua vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa. Bộ đội ta và tự vệ Tuy Hòa vừa đánh vừa yểm hộ nhau rút theo đường biển Phú Khê và đường núi phía sau để bảo toàn lực lượng
Chọc thủng được mặt trận Đèo Cả, địch tràn ra Tuy Hòa, càn vào các xã Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Thành, Hòa Tân. Dân quân và bộ đội ta chặn đánh địch quyết liệt tại Bầu Ôi, ngăn chặn bước tiến của chúng. Đồng thời, Chiến khu 1 thành lập Ban Cứu tế, tổ chức nhân dân các vùng có chiến sự tản cư lên các xã phía tây Tuy Hòa (Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Phong và Hòa Đồng…). Trong hai ngày 17-18/1/1947, quân Pháp theo quốc lộ 1 đánh ra phía bắc, nhưng cầu Đà Rằng đã bị ta phá sập, địch phải co cụm lại thị trấn Phú Lâm.
Tôi gọi là tỉnh “cảm tử” vì mặc dầu ở sát mặt trận, mặc dầu súng nổ bên mình nhưng dân chúng ở đây đã biến thành những đội dân quân võ trang ngày đêm chờ đợi sẵn sàng giết giặc. Họ đã tự cùng nhau ban bố một khẩu lệnh “Tuy Hòa mất thì người Tuy Hòa không còn nữa”.
Tác giả Hoàng Việt Sinh - Ký sự Phú Yên kháng chiến
14 giờ ngày 19/1/1947, quân ta bắt đầu tiến công quân Pháp. Trung đoàn 80 và một tiểu đoàn chủ lực của Khu 6 phối hợp với Tiểu đoàn Ba Dương (Nam Bộ) đang đứng chân ở Tuy Hòa, tổ chức tập kích tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn địch ở Phú Lâm, giết một tên quan tư Pháp. Trước đòn phản công sấm sét của ta, địch nhận thấy không đủ sức mở rộng phạm vi chiếm đóng, quân Pháp co về phía bên kia sông Bàn Thạch, xây dựng cụm cứ điểm Núi Hiềm và hệ thống đồn bốt trên đèo Cả, khống chế đoạn quốc lộ 1 từ Hảo Sơn đến Khánh Hòa.
Thực hiện chỉ đạo của trên, bộ đội và dân quân cùng nhau đào chiến hào, xây dựng phòng tuyến bao vây, khẩn trương diệt tề trừ gian, đẩy mạnh chiến tranh du kích... Từ đây, Tuy Hòa trở thành tiền tuyến phía nam tỉnh Phú Yên và của cả Liên khu 5, là hậu cứ của Khánh Hòa - Đắk Lắk và các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Ngày 15/6/1947, địch tăng cường một trung đoàn từ Khánh Hòa ra, chia làm ba cánh càn ra các xã nam Đà Rằng. Quân dân Chiến khu 1 dựa vào giao thông hào chiến đấu chống trả kiên cường, diệt hàng trăm tên địch, buộc chúng phải rút lui. Vùng tự do Phú Yên được giữ vững, nối liền với các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, một phần tỉnh Quảng Nam thành vùng căn cứ rộng lớn ở Nam Trung Bộ.
Lằn ranh của chiến trường cả nước
Trong ký sự Phú Yên kháng chiến của Hoàng Việt Sinh, xuất bản ngày 26/5/1946, tác giả đã ghi lại cuộc kháng chiến ở miền Trung, cho thấy trong bối cảnh cuộc tái xâm lược của quân đội thực dân trên đường tiến quân ra Trung Bộ và Tây Nguyên bị đánh chặn tại đèo Cả ở phía nam và Cheo Reo ở phía tây, Phú Yên trở thành lằn ranh của chiến trường cả nước, tuyến lửa trên cả hai mặt trận, là tỉnh “cảm tử”.
“Tôi gọi là tỉnh “cảm tử” vì mặc dầu ở sát mặt trận, mặc dầu súng nổ bên mình nhưng dân chúng ở đây đã biến thành những đội dân quân võ trang ngày đêm chờ đợi sẵn sàng giết giặc. Họ đã tự cùng nhau ban bố một khẩu lệnh “Tuy Hòa mất thì người Tuy Hòa không còn nữa”. Cho nên không một ai được bỏ đi ra khỏi tỉnh nếu không có mệnh lệnh của Ủy ban Kháng chiến hay cơ quan hành chính”, tác giả viết.
Cũng theo tác giả, từ thân phận mất nước và nô lệ trở thành công dân làm chủ và tự do, người Phú Yên biết quý trọng thực sự những biểu tượng của quốc thể trong sinh hoạt thường ngày của mình. “Hàng ngày, sáng và chiều nghe tiếng kèn chào cờ và hạ cờ là dân chúng già trẻ trai gái đều nghiêm chỉnh đứng chào dù lúc đó đang bận việc hay đang đi giữa đường. Hình như bổn phận thiêng liêng này đã ghi sâu vào óc đồng bào ở đây”.
Đặc biệt, tác giả đã phân tích đặc điểm tình hình, từ đó xác định ba phương diện vị trí chính yếu của Phú Yên một cách sâu sắc:
“Về quân sự, nó là phòng tuyến để án ngữ địch quân chợt lăm le làm cái bàn đạp đánh thốc ra Bắc. Đã bao lần quân Pháp phải chịu thoái lui trước sức kháng chiến mãnh liệt của nó.
Về chính trị, nó là trung tâm điểm cho các cơ quan liên lạc từ Bắc vào Nam. Những tổ chức bán công bán khai đã cho chúng ta nhận biết rằng các tỉnh thành như Nha Trang… chưa bị chiếm hẳn vì trong đó có các cơ quan hành chính, các ủy ban vẫn tiếp tục công việc như thường và dân chúng vẫn đọc được những tờ báo từ thủ đô hay các cáo thị thông tư của Chính phủ gửi vào.
Về giao thông thì Phú Yên đã lĩnh lấy một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề. Con đường thiết lộ xuyên qua Việt Nam chỉ vào đến đây là hết. Những khách muốn vào trong nữa như Phan Rang, Phan Thiết, Sài Gòn thì phải xuống bến sông Tuy Hòa đi thuyền… Phú Yên lại là nơi tiếp nhận số đông đồng bào không chịu nổi sức hành hạ tàn nhẫn của bọn Pháp phản động… thường có những toán người khăn gói từ đèo Cả đi ra…
Xét những quan điểm trên, chúng ta nhận thấy rằng tỉnh thành Phú Yên cảm tử ấy đã lĩnh một sứ mệnh rất quan trọng của Tổ quốc ở biên cương mặt trận mà ít người nhắc nhở, biết đến”.
(*) Theo Lịch sử Lực lượng vũ trang Phú Yên 1945-2005
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/268761/phu-yen-nhung-ngay-toan-quoc-khang-chien.html