Phú Yên phát triển giao thông miền núi

Tỉnh Phú Yên đang tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuyến quốc lộ 29 Phú Yên-Đắk Lắk kết nối cảng Vũng Rô khu kinh tế nam Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên. (Ảnh TRUNG THI)

Tuyến quốc lộ 29 Phú Yên-Đắk Lắk kết nối cảng Vũng Rô khu kinh tế nam Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên. (Ảnh TRUNG THI)

Trong đó, phát triển giao thông miền núi được tỉnh xác định là một trong những giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ tuyến giao thông huyết mạch

Phú Yên đang vào vụ thu hoạch các loại nông sản như sắn, mía, đậu đỗ và khai thác những diện tích rừng trồng. Hàng chục nghìn héc-ta vùng nguyên liệu của các loại cây trồng này, hầu hết đều tập trung tại các huyện miền núi như Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân,…

Nếu như trước đây, thời điểm này giao thông thường bị cách trở, việc vận chuyển hết sức khó khăn do đường sá lầy lội, hư hỏng sau mùa mưa lũ, thì trong những ngày cuối năm 2024 này, trên các tuyến đường, từng đoàn xe tải vẫn hối hả đưa sản phẩm về xuôi, cung ứng cho các nhà máy chế biến một cách thuận lợi, an toàn.

Tuyến Quốc lộ 19C dài 115 km đi qua 15 xã của ba huyện miền núi Phú Yên, nối liền huyện Vân Canh (Bình Định) ở phía bắc và huyện M’rắc (Đắk Lắk) ở phía nam, giao cắt với Quốc lộ 25 về phía tây nối với tỉnh Gia Lai là tuyến giao thông huyết mạch của khu vực miền núi Phú Yên, thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả cao. Cách đây hơn 10 năm, mặc dù trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, song lãnh đạo tỉnh Phú Yên với tầm nhìn chiến lược đã thấy được tiềm năng và quyết định đầu tư hơn 600 tỷ đồng xây dựng tuyến đường này.

Ban đầu, dự án có tên gọi là trục dọc giao thông miền tây Phú Yên. Khi đưa vào khai thác, sử dụng, tuyến đường đã kết nối thuận lợi, thông thương hiệu quả giữa các huyện miền núi còn khó khăn, cách trở của tỉnh với các địa phương lân cận. Sau đó, địa phương kiến nghị và được Bộ Giao thông vận tải quyết định nâng cấp tuyến trục dọc miền tây Phú Yên thành Quốc lộ 19C.

Ông La Lan Tiến, ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa có 7 ha đất canh tác, chuyên trồng gỗ keo, sắn và mía. Đến mùa thu hoạch, xe tải vào tận nơi thu mua vận chuyển rất dễ dàng. Nhà cạnh mặt đường, gia đình ông mở tiệm tạp hóa để bán các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thôn. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình ngày càng ổn định, ông Tiến đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Sơn Hòa.

Ông Tiến tâm sự: “ Trước đây, gia đình làm nương rẫy, khi thu hoạch nông sản phải dùng phương tiện thô sơ như xe bò kéo về nhà rồi mới bán được, nay chính quyền huyện, tỉnh quan tâm đầu tư mở các tuyến đường giao thông đến các khu sản xuất, nông dân canh tác thuận lợi hơn, xe của nhà máy cũng vào được tận nơi chuyên chở, thu nhập của bà con cao hơn gấp nhiều lần…”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân Trần Quốc Huy cho biết, những năm gần đây, giao thông của huyện được chú trọng đầu tư, gắn kết mạng giao thông địa phương với các trục giao thông động lực của tỉnh, liên kết các vùng sản xuất, các điểm dân cư, 100% số xã có đường ô-tô đi đến trung tâm các xã. Tổng chiều dài đường bộ của huyện hiện đạt gần 226 km, mật độ đường bộ trung bình 0,22 km/km2.

Trong đó, ngoài tuyến Quốc lộ 19C dài khoảng 21 km chạy dọc phía tây, còn có bốn tuyến đường tỉnh gồm ĐT641, ĐT642, ĐT644 và ĐT647 đi qua địa bàn huyện, tất cả đều đấu nối với Quốc lộ 19C, tổng chiều dài đi qua huyện là 68,9 km. Tất cả các tuyến đường đều xây dựng kiên cố, đáp ứng cho các loại phương tiện đi lại dễ dàng…

Đến chương trình bê-tông hóa

Nhằm hoàn thiện mạng lưới đường giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi bảo đảm thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất của nhân dân, từ năm 2016, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành Nghị quyết triển khai chương trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi.

Kết quả, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 482,5 km (tăng 83,5 km), đạt 120,8% so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo điều kiện cho các huyện hoàn thành tiêu chí giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Nhờ đó, nhiều nơi đã sớm đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Giai đoạn 2021-2025, Phú Yên đặt mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số tăng gấp hơn hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm hơn 3%, toàn khu vực phấn đấu 100% số xã, thôn, buôn có đường nhựa ô-tô đến trung tâm xã; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào,...

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, để hoàn thành đạt và vượt mức các mục tiêu nêu trên, tỉnh xác định giải pháp quan trọng vẫn là tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông miền núi.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Tấn Hồ khẳng định: Tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm đến xây dựng hạ tầng giao thông miền núi. Chương trình bê-tông hóa đường giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi là chủ trương đúng đắn trong việc huy động sức dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; thu hút nguồn lực xã hội hóa trong làm đường giao thông với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Tại huyện Sông Hinh, ngoài các tuyến giao thông do Trung ương và tỉnh đầu tư trong vòng 5 năm qua, huyện cũng huy động hơn 99 tỷ đồng xây dựng, bê-tông hóa 245 km đường giao thông nông thôn đến tận các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đinh Ngọc Dạn, địa phương xác định giao thông là khâu đột phá trong xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, xây dựng, phát triển hệ thống giao thông đến vùng sâu, vùng xa chính là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến việc nâng cao đời sống của người dân.

Đơn cử, tại xã đặc biệt khó khăn Ea Lâm, sau khi huyện đầu tư xây dựng mở rộng, bê-tông hóa các tuyến giao thông, kết hợp với việc xây dựng các công trình thủy lợi, xã đã có điều kiện khai thác những cánh đồng bấy lâu nay để hoang hóa, triển khai canh tác 243 ha mía.

Ông Nay Y Lé, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Lâm xúc động cho biết, thời gian qua, Nhà nước quan tâm đầu tư mở đường, làm thủy lợi đã giúp giao thông thuận lợi, nhà máy đường được đầu tư cho nên người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng mía.

Thu nhập từ cây mía cao hơn các loại cây trồng khác, đời sống của nông dân trong xã khấm khá hơn hẳn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bài và ảnh: TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phu-yen-phat-trien-giao-thong-mien-nui-post852002.html