Phú Yên tìm giải pháp khả thi đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2023, tỉnh Phú Yên có số vốn đầu tư công được giao gấp 1,45 lần so với năm 2022. UBND tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện giải ngân vốn trong năm đạt hiệu quả cao nhất.
* Gỡ vướng mặt bằng
Dự án tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017 với tổng mức đầu tư 489 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh và Trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, do nhiều vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng nên dự án không thể hoàn thành theo tiến độ đề ra.
Từ thời điểm khởi công xây dựng đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên đã tổ chức triển khai thi công với giá trị khối lượng xây lắp đạt khoảng 353 tỷ đồng, tương ứng khoảng 84% giá trị hợp đồng. Phần còn lại đang vướng mặt bằng nên phải tạm dừng thi công, ảnh hưởng giải ngân vốn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, năm 2022 Ban làm chủ đầu tư 9 dự án (thuộc địa bàn thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa) với tổng nguồn vốn được bố trí để giải ngân thực hiện hơn 977 tỷ đồng bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2021 chuyển sang.
Tuy nhiên, 7/9 dự án do Ban làm chủ đầu tư gặp vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong đó có dự án tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn. Tính từ ngày 1/1/2022 đến 31/1/2023, Ban chỉ giải ngân được hơn 515 tỷ đồng, đạt 52,74% tổng nguồn vốn. So với tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh (64%), năm 2022, Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Yên có tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
Việc bồi thường, giải phóng mặt ở các dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân khác nhau như người dân yêu cầu về đơn giá, về tái định cư, về nguồn gốc đất, yêu cầu bồi thường bằng đất… Tính đến nay, tổng diện tích mặt bằng đã bàn giao chỉ đạt khoảng 73% diện tích xây dựng dự án (16,5ha/22,5ha).
Nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và phần vốn còn lại các năm trước sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài, ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh.
Ban cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, quản lý chặt chẽ nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thi công các dự án; đồng thời tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, các nhà thầu liên quan chủ động tập trung nguồn lực, máy móc, vật tư, nguyên vật liệu... Điều này nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi được bàn giao mặt bằng, đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ để giải ngân hết nguồn vốn bố trí.
* Nhiều giải pháp đồng bộ
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh hơn 5.446 tỷ đồng; trong đó, vốn kế hoạch năm 2022 hơn 4.926 tỷ đồng và vốn kéo dài của năm 2021 sang gần 520 tỷ đồng. Còn tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh hơn 7.885 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 hơn 6.724 tỷ đồng, vốn kéo dài giải ngân của những năm trước sang gần 1.161 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư công năm 2023 gấp 1,45 lần tổng vốn đầu tư công năm 2022.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh chỉ đạt 64%, thấp hơn trung bình cả nước (93,5%). Nhiều dự án lớn, quan trọng, có tính liên kết vùng, phát triển du lịch, dự án tạo nguồn thu của tỉnh triển khai chậm, giải ngân đạt tỷ lệ thấp như: tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa); đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (giai đoạn 1); đường ven vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (đoạn từ bãi tắm Bàn Than đến Khu du lịch Nhất Tự Sơn); đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa.
Về những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Phú Yên năm 2022 đạt thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan như: giá vật tư, vật liệu xây dựng, chi phí vận chuyển tăng cao và vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng thì còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như năng lực của một số cán bộ, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các sở ngành, địa phương còn hạn chế, xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; chính quyền địa phương chưa kịp thời quan tâm, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, để kéo dài tiến độ thực hiện dự án, nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Với kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2023 cao hơn năm 2022, lãnh đạo tỉnh Phú Yên nêu quyết tâm thực hiện giải ngân 100% số vốn.
Tại hội nghị chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công mới đây, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương rà soát tiến độ thực hiện từng dự án, có văn bản cam kết tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân theo từng quý.
Bên cạnh đó, làm rõ những tồn tại, hạn chế từ chỉ đạo điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện các dự án nhằm tìm ra giải pháp khả thi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm giải ngân như những năm trước.
Ngoài ra, phải thường xuyên rà soát, kiểm tra không để xảy ra tình trạng tồn đọng vốn, tồn đọng hồ sơ giải ngân và quyết toán dự án, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Các cơ quan chuyên môn của tỉnh như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương… thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm giúp cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn của các dự án, nhất là các dự án lớn, quan trọng, các dự án sử dụng vốn ODA.
Đồng thời, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thấp so với mức trung bình của cả tỉnh theo từng quý. Riêng Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu san lấp và thực hiện các dự án, kiểm soát giá nguyên vật liệu theo quy định.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ cam kết với chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thi công công trình theo quy định./.