Phú Yên: Tôm hùm chết, nhiều người nuôi tôm trên Vịnh Xuân Đài thiệt hại nặng
Ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày liền, nước ngọt đổ về nhiều làm thay đổi môi trường nước, làm cho tôm hùm nuôi trên Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, Phú Yên chết hàng loạt. Tôm hùm đang đến kỳ thu hoạch, làm cho người nuôi thiệt hại tiền tỷ.
Chính quyền địa phương, ngành chức năng đang thống kê, xác định nguyên nhân giúp người nuôi khắc phục thiệt hại.
“Tình trạng tôm hùm chết diễn ra hôm nay đã là ngày thứ 2 mà nguyên nhân được nhiều ngư dân chia sẻ là do tầng đáy bị thiếu oxy nước bị ngọt hóa, ảnh do hưởng nước ngọt đổ về nhiều trong những ngày mưa…” - ông Phan Trần Vạn Huy cho biết.
Ghi nhận của phóng viên tại Cảng cá dân Phước, thị xã Sông Cầu, 2 ngày qua, các thương lái tập trung tàu thuyền nhiều thuyền thu mua hàng tấn tôm hùm chết ngộp.
Ông Lê Minh Thoại, một người thu mua tôm ở thị xã Sông Cầu ngày hôm qua và hôm nay (15/10) cho biết đã mua gần 2 tấn tôm hùm chết của những ngư dân có bè nuôi tôm hùm nuôi trên vinh Xuân Đài. “ Tôm chết ngộp giá mua bằng nửa giá tôm sống, hôm qua mua được khoảng 2 tấn, hôm nay mua được 5-7 tạ, Do hôm nay có gió thổi nên nước ổn định”.
Ông Nguyễn Lê Hòa, Phường Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết. Hôm qua mua tấn hai, tôm cỡ 6, 7 lạng không hà. Tôm đẹp, nhìn tôm chết mà xót ruột cho người nuôi..”. Hiện nay, giá tôm hùm xanh còn sống giá 800-900 nghìn đồng, tôm chết ngộp bán chỉ còn 400-500 nghìn đồng.
Ông Phan Trần Vạn Huy, chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, Phú Yên cho biết, thống kê ban đầu có 22 hộ ở phường Xuân Thành có tôm nuôi bị chết, với khoảng 2 tấn; địa phương đang chỉ đạo phối hợp với cơ quan chuyên môn tìm nguyên nhân, thống kê thiệt hại để báo cáo. Có hướng giúp người nuôi khắc phục”.
Để giảm thiểu thiệt hại, người nuôi tôm hùm được khuyến nên ghim lồng tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5-2m để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi. Trường hợp cần thiết, người nuôi có thể sục khí tạm thời (viên tạo bọt) và hạn chế đưa lồng, bè nuôi lên tầng mặt, vì mưa lớn làm nước tầng mặt bị ngọt hóa. Thời điểm này, người nuôi nên xuất bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm và hạn chế thả nuôi mới. Cùng với đó nên san thưa mật độ tôm nuôi nhằm giảm bớt chi phí thức ăn, tránh những tổn thất khác do biến cố môi trường xảy ra.
Thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) hiện có 82.696 ô lồng với 2.018 bè nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm. Đây là vùng nuôi tôm hùm chiếm 60% số lồng nuôi ở tỉnh Phú Yên với sản lượng hơn 1.000 tấn mỗi năm nên được mệnh danh là “thủ phủ” tôm hùm của Việt Nam.