Phú Yên trong thơ Văn Công
44 năm trước, GS Hồ Tấn Trai (Phạm Văn Sĩ), Chủ nhiệm khoa Văn, Sử đầu tiên của Trường đại học Tổng hợp Huế, tác giả công trình nghiên cứu “Văn học cách mạng miền Nam” hào hứng giới thiệu với lứa sinh viên Ngữ văn khóa I tập thơ “Tiếng hát miền Nam”.
Tập thơ này tập hợp những bài thơ vượt tuyến từ miền Nam gửi ra, được tặng thưởng giải nhất Báo Thống Nhất, được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Ðình Chiểu. Ba tác giả của tập thơ Văn Công, Giang Nam, Thanh Hải được GS Hồ Tấn Trai đánh giá là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền văn học giải phóng.
Trong tập thơ, 17 tác phẩm của Văn Công được in ở đầu tập và hình ảnh quê hương Phú Yên hiện rõ trên từng trang viết. Kỳ nghỉ Tết Mậu Ngọ 1978, với mong ước được diện kiến nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm) - tác giả của những bài thơ đi cùng năm tháng ở quê nhà, tôi tìm đến thăm ông tại ngôi nhà nhỏ sau lưng chùa Bình Quang, TX Tuy Hòa.
Lúc ấy, ông là Bí thư Huyện ủy Tây Sơn (Sông Hinh - Sơn Hòa ngày nay) và từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy thời chiến tranh nên đồng đội cũ đến chúc Tết rất đông. Tuy vậy, ông vẫn dành cho tôi gần một buổi, hào hứng điểm lại chặng đường sáng tác 35 năm qua. Như một cơ duyên, năm 1981, tôi nhận công tác ở quê nhà và được phân công giúp việc cho ông, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh cho đến khi ông nghỉ hưu.
Xuất thân từ một gia đình thế gia vọng tộc ở Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), Văn Công xung phong vào bộ đội, Nam tiến năm 1945 và được phân công về Phú Yên năm 1946, gắn bó với mảnh đất này cho đến bây giờ. Ông là một trong những bộ “từ điển sống” của Phú Yên thế kỷ XX. Hình ảnh xứ Nẫu in đậm trong thơ ông, mênh mang, dạt dào cảm xúc:
Ðồng xanh lúa trổ thơm mùi sữa
Ði giữa Phú Yên đẹp dịu dàng
Từng vùng đất Phú Yên hiện lên trong thơ của ông lung linh diễm lệ như tranh:
Không thể nào quên được La Hai
Miền quê đất hẹp núi vươn dài
Núi ôm sông nước, thuyền ôm bến
Trăng mộng đòi thơ, cảnh đợi ai
(Nhớ mãi La Hai, 3/1946)
Núi Mẹ Bồng Con dang đôi cánh tay vời
Vọng Phu ơi! Bàn chân người rướm máu
Ngẩng đầu lên mây xám đã tan rồi
(Hành quân, 1947)
Văn Công đặt chân đến từng xóm nhỏ, từ biển xanh đến đại ngàn:
Thồ Lồ biết mấy thân thương
La Hiên tổ ấm muôn phương tìm về
Dừa Sông Cầu trăng trong soi bóng
Cửa Tiên Châu biển sóng gợn tình…
(Lòng bà mẹ Phú Yên, 1955)
Tuy Hòa mến yêu - một trong những bài thơ tiêu biểu của Văn Công lay động trái tim những người con Phú Yên trên đất Bắc từ những tháng năm Tổ quốc còn chia cắt và vang vọng mãi cho đến bây giờ:
Ta lặn lội giữa trời bùng khói lửa
Tháp Chàm ơi! Mây quyện gió hoang vu
Lúa gãy đòng đập Ðồng Cam chảy sữa
Vách tường xiêu cau mặt ngó quân thù…
Tuy Hòa ơi! Ngày mai sẽ đến
Bụi mù tan, chim bướm nhởn nhơ bay
Ðỉnh Nhạn Tháp ánh trăng lồng ánh điện
Cửa sông Ðà buồm giăng cánh về đây
(Tuy Hòa mến yêu, 1957)
Gắn bó máu thịt với Phú Yên cả cuộc đời, Văn Công vẫn khắc khoải về nơi chôn nhau cắt rốn:
Có ai về Mộ Da
Ghé qua ngã chợ Dâm
Nước kênh đào còn chảy
Ðồi thông rú Lịn đã ra hoa
Ai lên động Hồng Hoa
Ai vượt sườn Khe Trúm
(Có ai về quê nội, 1956)
Văn Công dành tình cảm thiêng liêng với cả hai vùng đất và khát vọng thống nhất đất nước để đặt tên cho con gái rượu.
Nghệ An, Tuy Hòa cùng chung dải đất
Lật bản đồ mối hận ấy chưa tan
Cột ống khói Ðồng Bò cao ngất
Gợi hờn căm Bến Thủy những ngày tang...
...Cha đặt tên con
Tên Hiền Lương đẹp nhất
Tên chiếc cầu nối liền tình Nam nghĩa Bắc
Như tấm lụa điều không để lạnh giá gương
Như cột cờ cao sừng sững dưới vầng dương…
(Ðặt tên con, 1972)
Mùa xuân này, bác Sáu Công - nhà thơ Văn Công đại thọ 95 tuổi. Trong những cống hiến đa dạng, đặc sắc của ông với quê hương, đất nước, thơ ca đồng hành với ông trọn đời và lan tỏa muôn đời:
Tất cả sẽ trở thành quá khứ
Tôi như con sóng vỗ xa bờ
Vỗ mãi ngày đêm trên đất Phú
Cuối cùng chỉ đọng lại hồn thơ.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/252274/phu-yen-trong-tho-van-cong.html