Phú Yên: Xã hội hóa chợ nông thôn
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), chợ được đánh giá là tiêu chí quan trọng. Phú Yên đang nỗ lực thực hiện Tiêu chí số 7 - về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, góp phần xây dựng bộ mặt NTM bền vững.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Tây Hòa luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp chợ. Đến tháng 10/2018, UBND huyện xây dựng phương án và tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý 11 chợ thuộc 10/10 xã và có chợ nằm trong quy hoạch hệ thống chợ của tỉnh phù hợp với quy hoạch NTM. Đến nay, Tây Hòa có 10/10 xã đạt tiêu chí số lượng. Hệ thống chợ nông thôn đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và giữ gìn nét đẹp của phiên chợ vùng nông thôn. Huyện tiếp tục củng cố, nâng cấp, giữ vững 100% chợ nông thôn theo hướng xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm, kinh doanh của nhân dân.
Tại huyện Tuy An, chợ Yến cũ nhếch nhác, xuống cấp giờ đã được xây dựng mới khang trang, đảm bảo quá trình hoạt động mua bán diễn ra thuận lợi, an toàn. Ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch UBND huyện Tuy An - cho biết: Chợ Yến mới là một trong những hạng mục của trung tâm thương mại xã An Hòa (huyện Tuy An), được xây dựng nhằm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển dịch vụ thương mại địa phương nói riêng và là một trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Huyện Tuy An hiện có 28 chợ, trong đó 1 chợ hạng II và 27 chợ hạng III. Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện giữ nguyên vị trí 4 chợ, nâng cấp mở rộng 17 chợ, xây mới 3 chợ. Đến nay, đã có 15/28 chợ trên địa bàn huyện Tuy An đã chuyển đổi mô hình từ ban quản lý, tổ quản lý sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (HTX) quản lý. Ngoài chợ Yến được xây mới, còn có chợ Mới thôn Trung Lương (xã An Nghiệp) đang xây dựng, chợ Giã (xã An Ninh Tây) đang làm mặt bằng xây dựng. Việc hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cùng với các tiêu chí khác, sẽ góp phần đưa xã An Hòa được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020 như mục tiêu đề ra.
Có được kết quả trên là do, ngay từ giai đoạn đầu, Phú Yên luôn chú trọng xây dựng tiêu chí chợ bên cạnh các tiêu chí khác. Trong đó, yếu tố quan trọng trong quy hoạch chợ gắn với quy hoạch chung của địa phương, tránh tình trạng chợ xây xong bỏ hoang, không sử dụng được. Một số nơi, nhân dân nhiệt tình đóng góp cùng xây mới chợ, nâng cấp chợ cũ đạt chuẩn. Đáng chú ý, tỉnh Phú Yên đầu tư phát triển chợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư chợ để đảm bảo đạt chỉ tiêu số 7 về chợ nông thôn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 141 chợ, trong đó giữ nguyên vị trí nhưng đầu tư có chiều sâu 19 chợ, nâng cấp, mở rộng 86 chợ, di dời vị trí, xây mới 17 chợ, phát triển mới 19 chợ, đưa ra khỏi quy hoạch 19 chợ.
Thực hiện theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ của tỉnh, các địa phương được định hướng phát triển cụ thể về hạ tầng thương mại, qua đó tranh thủ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn Chương trình 135 để đầu tư xây mới, nâng cấp chợ trên địa bàn quản lý.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thương mại nông thôn
Là đơn vị quản lý, thời gian qua, Sở Công Thương Phú Yên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương đã tiến hành đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn. Cụ thể, năm 2016, thông qua các nguồn vốn của địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp, Phú Yên đã tiến hành đầu tư cải tạo, nâng cấp 18 chợ nông thôn, tổng số vốn 21,7 tỷ đồng; năm 2017, nâng cấp 13 chợ, tổng số vốn 16 tỷ đồng; năm 2018, nâng cấp 6 chợ, tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng...
Theo hướng dẫn của Sở Công Thương, các địa phương nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ mới phải xây dựng chợ. Các địa phương còn lại cải tạo, sắp xếp lại hệ thống chợ sẵn có trên địa bàn để phục vụ người dân giao thương. Hạ tầng cơ sở nông thôn phát triển đưa đời sống nhân dân nâng cao. Theo kết quả điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 là 36 triệu đồng/người, tăng 3,2 lần so với năm 2011 và tăng 1,5 lần so với năm 2015. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 39 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, đại diện Sở Công Thương Phú Yên cho hay, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các địa phương đầu tư xây dựng chợ rất hạn chế; việc huy động các nguồn vốn khác tại địa phương cũng chỉ đạt mức thấp. Do đó, việc đầu tư cải tạo, xây dựng mới chợ nông thôn đáp ứng các yêu cầu của tiêu chí số 7 cũng gặp nhiều khó khăn.
Nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong thời gian tới, từ nguồn vốn đầu tư được phân bổ từ các cấp và vốn xã hội hóa, ngành Công Thương Phú Yên tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng chợ nông thôn tại các xã chưa đạt chuẩn; phấn đấu đến năm 2020, có 80/88 xã hoàn thành tiêu chí số 7, chiếm 91% tổng số xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện tốt quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở cho các địa phương kêu gọi đầu tư. Phối hợp với các địa phương tăng cường huy động vốn từ tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh, quản lý để cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại hiện có. Sở Công Thương Phú Yên cũng đề nghị, Bộ Công Thương bố trí vốn đầu tư chợ, cửa hàng tiện lợi theo Đề án Phát triển thị trường trong nước để hỗ trợ các địa phương đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phu-yen-xa-hoi-hoa-cho-nong-thon-135476.html