Phúc bồn tử đen dễ trồng, khó bán
Sau một thời gian trồng thử nghiệm chọn ra quy trình kỹ thuật chăm sóc năng suất cao, Trang trại Phúc Bồn tử Huỳnh Trung Quân ở thôn Bắc Hội, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng nhận định rằng giống phúc bồn tử đen khá dễ trồng, thích nghi ở các vùng nông nghiệp Đà Lạt và phụ cận, nhưng ở khâu đầu ra vẫn gặp không ít khó khăn từ nhiều phía.
Từ đầu năm 2020, phóng viên đến Trang trại Phúc Bồn tử Huỳnh Trung Quân khi đang xuống giống trồng mới đồng loạt 1 ha phúc bồn tử đen nhà lưới. Sau hơn một năm trở lại, trang trại này đang thu hoạch năng suất cao nhất mỗi buổi sáng từ 70 - 80 kg phúc bồn tử đen rồi phân loại, đóng gói khoảng 50% sản lượng chuyển ngay đến các đầu mối phân cho người tiêu dùng trong nước; 50% sản lượng còn lại đưa vào chế biến tại chỗ với các sản phẩm rượu vang, nước cốt, mứt, mật… Anh Huỳnh Trung Quân, chủ nhân trang trại cho biết, đây là nguồn giống phúc bồn tử đen chất lượng cao có xuất xứ từ châu Âu. Với kỹ thuật và kinh nghiệm tổng hợp từ thực tế sản xuất giống phúc bồn từ đỏ hơn 12 năm, Trang trại Huỳnh Trung Quân đã chọn tạo “đỉnh sinh trưởng” giống phúc bồn tử đen từ châu Âu để nhân nuôi cấy mô trong nhà xưởng hơn 1 năm rồi tuyển lựa, đưa ra chăm sóc trong bầu đất thêm 4 tháng nữa mới xuất vườn ươm trồng kinh doanh trong nhà lưới. Quy cách trồng cây cách cây 1 m, hàng cách hàng 1,5 m. Nhân thành mật độ khoảng 8.000 cây phúc bồn tử đen sinh trưởng tốt tươi trên diện tích 1 ha nhà lưới.
Cũng theo chia sẻ của chủ Trang trại Huỳnh Trung Quân, việc chăm sóc phúc bồn tử đen ở đây cũng tiếp tục áp dụng theo quy trình VietGAP, sản phẩm thu hoạch đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Cụ thể, công đoạn đầu tiên tiến hành khử trùng đất, đào hố, lên luống bón lót phân bón, đặt cây giống xuống trồng. Chừng vài tháng sau, phúc bồn tử đen thả đọt leo lên giàn cao hơn một mét thì bón thêm một đợt phân nữa kết hợp với cắt cành, tỉa tán để chờ đến thời điểm cây thu hoạch vào tháng thứ 9 sau khi trồng. Cách thức bón phân ở đây được kết hợp với tưới nhỏ giọt trực tiếp vào từng gốc cây. Ở khu vực trên cao khoảng 3 m kể từ mặt đất, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động để “giải nhiệt” khi thời tiết nhiều ngày khô nóng. Riêng bệnh hại phổ biến trên cây phúc bồn tử đen cần tập trung phòng, chống các loại bọ xít muỗi xuất hiện thời điểm “giao thời” từ ngày mưa sang ngày nắng và ngược lại từ ngày nắng sang ngày mưa, thường gây cháy lá, rụng hoa, giảm năng suất thu hoạch. Vụ mùa phúc bồn tử đen đầu tiên ở đây, Trang trại Huỳnh Trung Quân đã tìm ra giải pháp phù hợp về canh tác để ngăn chặn, kiểm soát khá hiệu quả loài bọ xít này…
Kết quả thu hoạch những tháng cuối năm 2020, Trang trại Phúc Bồn tử Huỳnh Trung Quân chỉ bán ra với giá trung bình 100.000 đồng/kg. Giá này trong dịp Tết Tân Sửu 2021 đến nay tăng lên 150.000 đồng/kg. Hạch toán nếu bán hết 100% sản lượng trái tươi phúc bồn tử đen với giá tại vườn 100.000 đồng/kg, trừ tất cả mọi chi phí đầu tư vật tư, giống, công chăm sóc…, trang trại thu nhanh lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, trong tổng sản lượng phúc bồn tử đen ước đạt 20 - 25 tấn/ha/năm, Trang trại Huỳnh Trung Quân chỉ bán tươi đạt tỷ lệ 50% và tỷ lệ 50% còn lại đưa vào nhà máy chế biến tại chỗ với các dòng sản phẩm như đã nói ở trên. Theo các nhà phân phối đánh giá phúc bồn tử đen bán chậm hơn phúc bồn tử đỏ vì trái mềm hơn, tỷ lệ hao hụt khá cao khi vận chuyển đường dài; thời gian bảo quản lạnh rất ngắn, nhất là ở xứ đồng bằng vào mùa nắng nóng chỉ giữ tươi trong tủ lạnh tối đa hơn 3 ngày…
Bởi vậy, trong những năm tới, Trang trại Huỳnh Trung Quân chỉ ổn định 1 ha diện tích sản xuất phúc bồn tử đen trái mềm dùng nguyên liệu phục vụ vận hành dây chuyền thiết bị chế biến các sản phẩm rượu, mứt, mật… cung cấp quanh năm cho thị trường. Bên cạnh đó, Trang trại Huỳnh Trung Quân cũng đã tiết lộ kết quả ban đầu tiếp tục chọn tạo, nhân giống phúc bồn tử đen trái cứng, dự kiến trong năm tới sẽ trồng đồng loạt khoảng 4 ha cũng trên địa bàn xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Nếu mọi điều kiện thuận lợi, vùng đất Đức Trọng thời gian tới sẽ có thêm sản phẩm phúc bồn tử đen trái cứng đặc trưng gắn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của thị trường.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/phuc-bon-tu-den-de-trong-kho-ban-3045574/