Phục chế tác phẩm vô giá

Việc phục chế các bức tranh lụa nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với các thế hệ mai sau...

Bà Kikuko Iwai - Giám đốc Học viện Phục chế nghệ thuật Iwai (Nhật Bản). Ảnh: ITN.

Bà Kikuko Iwai - Giám đốc Học viện Phục chế nghệ thuật Iwai (Nhật Bản). Ảnh: ITN.

Kính gửi bà Kikuko Iwai!

Dịp trước, kênh VTV1 đưa tin các bức tranh lụa vô giá của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được bà và các cộng sự phục chế đã hồi hương về Việt Nam. Ngay khi biết được thông tin này, cháu liền ngồi vào máy tính và viết cho bà bức thư này, để có thể nói lời cảm ơn tới bà cùng nhóm cộng sự.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) có lẽ không còn là người xa lạ đối với chúng cháu vì cụ chính là người đầu tiên đem lại vinh quang cho tranh lụa Việt Nam.

Cụ là sinh viên thuộc khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, cùng với Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung. Ban đầu, cụ sáng tác tranh sơn dầu, đó là các tác phẩm “Mẹ bầy cho con đan len” và “Hai vợ chồng nông dân trục lúa”. Sau đó, cụ theo học vẽ tranh trên lụa Vân Nam và thành công với các tác phẩm nổi tiếng như: “Chơi ô ăn quan”, “Trốn tìm”, “Lên đồng”, “Em bé bên chú chim”,…

Thậm chí, trong cuốn sách Mĩ thuật 8 thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo mà cháu đang học cũng có hẳn một bài để tìm hiểu về những bức tranh nổi tiếng của cụ.

Tuy nhiên, do thời tiết nóng ẩm tại đất nước cháu, cộng với công tác bảo quản còn chưa được tốt, kỹ thuật lạc hậu, các bức tranh mang nhiều giá trị nghệ thuật ấy nay đang xuống cấp trầm trọng, thậm chí có nguy cơ bị xóa số.

Xuất phát từ sự khâm phục của mình dành cho cụ Nguyễn Phan Chánh, bà cùng với các cộng sự đã quyết tâm phục hồi bốn bức tranh: “Trốn tìm”, “Hun thuyền” “Đốn củi”, và “Cô gái cưỡi bò qua sông”. Cả bốn bức tranh này đều nằm trong trạng thái gần như biến mất hoàn toàn. Bà cũng từng chia sẻ, đặc điểm các bức tranh của cụ Nguyễn Phan Chánh nằm ở việc tranh “rất mỏng manh, bản thân vải lụa họa sĩ dùng để vẽ cũng rất mỏng manh và tinh xảo”.

Tác phẩm “Trốn tìm” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được nhóm chuyên gia Nhật Bản phục chế thành công. Ảnh tư liệu.

Tác phẩm “Trốn tìm” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được nhóm chuyên gia Nhật Bản phục chế thành công. Ảnh tư liệu.

Không chỉ dừng lại tại đó, các bức vẽ của cụ có thể có tới 10 lớp màu chồng lên nhau. Chính vì vậy, công đoạn khó khăn nhất lại nằm ở việc gỡ bỏ lớp giấy xi măng, bởi lẽ những mảnh lụa gần như tan ra và bà phải cố gắng thu thập những mảnh còn sót lại.

Cháu khâm phục đức tính cẩn thận và kiên nhẫn trong công việc của bà. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh các mảnh lụa gần như tan ra như vậy, chỉ cần một sai sót nhỏ thôi là có thể phá hỏng hoàn toàn bức tranh, khiến nó biến mất vĩnh viễn. Ấy vậy mà bà lại đủ sự cẩn trọng để có thể dán toàn bộ những mảnh lụa ấy lại với nhau trên tấm pa – nô đặc biệt rồi mới bắt đầu phục chế màu của tác phẩm.

Không chỉ thế, theo như bà chia sẻ, các bức tranh có thời gian phục chế rất lâu, tác phẩm nhanh nhất mất bốn tháng, còn lâu nhất tới hẳn một năm! Trong suốt một năm phải ngồi cùng một vị trí, làm cùng một công việc, đó là một thử thách không phải ai cũng có thể làm được như bà.

Có lẽ đối với bà, chính từ tình yêu và sự cảm phục của mình giành cho họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã giữ chân, giúp bà hoàn thiện một cách hoàn chỉnh nhất trước khi trao trả cho nhà văn Nguyệt Tú – con gái của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Không chỉ thế, việc bà phục chế các bức tranh lụa nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh còn mang lại lợi ích vô cùng to lớn đối với các thế hệ mai sau như chúng cháu.

Các bức tranh của cụ Nguyễn Phan Chánh có những đường nét riêng, thể hiện được sự khác biệt của tranh lụa Việt Nam so với tranh lụa các nước khác trên thế giới.

Nếu bức tranh của cụ bị biến mất hoàn toàn, các thế hệ mai sau cũng sẽ không thể nào biết tới các tác phẩm nổi tiếng của cụ, từ đó không thể nào hình dung được nét độc đáo mà cụ đã vẽ nên chúng. Thậm chí, trong trường hợp xấu nhất, các thế hệ tương lai do không biết tới mà quên lãng một bậc thầy về hội họa như cụ Nguyễn Phan Chánh.

Ngược lại, nếu như toàn bộ các bức tranh của cụ được phục chế nguyên vẹn, thì cụ sẽ mãi mãi được biết đến và trân trọng trước người cầm lá cờ tiên phong trong nền tranh lụa của Việt Nam. Thông qua những người yêu nghệ thuật, các bức tranh ấy càng lan tỏa giá trị, sức sống vượt thời gian của chúng tới nhiều thế hệ hơn nữa.

Cùng với đó, chúng còn có thể cung cấp thông tin về phương pháp vẽ độc đáo của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, giúp thế hệ sau có thể học tập, nghiên cứu, và thậm chí có thể cải tiến, phát triển để tạo nên cách vẽ mới mang đậm chất Việt Nam.

Có thể nói, việc làm của bà đã giúp giữ lại cho thế hệ của chúng cháu cơ hội “mong manh” được chiêm ngưỡng những tác phẩm mĩ thuật xưa, qua đó có thể hiểu hơn về lịch sử của Việt Nam. Hi vọng rằng, trong tương lai, bà cùng các cộng sự tiếp tục dành tình cảm yêu mến với hội họa Việt Nam và có thể tiếp tục phục chế thêm các bức tranh nổi tiếng khác đang bị xuống cấp, hư hỏng.

Tạm biệt bà!

Lê Tuấn Kiệt Lớp 8A – Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phuc-che-tac-pham-vo-gia-post687772.html