Chuyện về nhà báo người Pahy hơn 30 năm gắn bó với đại ngàn Trường Sơn

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), nhà báo Trần Văn Diên (bút danh Trần Diên, trú xã Hồng Quảng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), người dân tộc Pahy chọn mảnh đất giữa đại ngàn Trường Sơn để gắn bó.

Cùng lúc đảm nhận nhiều chức danh, từ quay phim, dựng hình, biên dịch, biên tập viên kiêm phát thanh viên truyền hình tiếng dân tộc thiểu số tiếng Pa Cô ở đài huyện, đài tỉnh và kênh truyền hình quốc gia nhưng ở vị trí nào, anh cũng đều làm tròn vai…

Chúng tôi gặp nhà báo Trần Diên vào một chiều muộn ngày trung tuần tháng 6 khi anh vừa trở về ở xã biên giới Nhâm, huyện A Lưới để thực hiện phóng sự về công tác đảm bảo an ninh trật tự ở vùng biên Việt – Lào. Khi đó, anh lại đang bận bịu cho chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số của Đài Phát thanh Truyền hình (PT-TH) tỉnh cho sáng sớm hôm sau. Dẫu vậy, anh vẫn vui vẻ bộc bạch: “Công việc của một phóng viên đài huyện kiêm nhiều… việc khác cứ tiếp nối, liên tục diễn ra”.

Nhà báo Trần Diên tác nghiệp tại một ngôi trường nằm trên đường Trường Sơn huyền thoại.

Nhà báo Trần Diên tác nghiệp tại một ngôi trường nằm trên đường Trường Sơn huyền thoại.

Nhà báo Trần Diên kể, năm 1992, anh được UBND huyện A Lưới nhận vào làm việc tại Đài PT-TH huyện với nhiệm vụ vận hành trạm thu, phát sóng hệ thống truyền hình đầu tiên của huyện, kiêm phát thanh viên, khai thác, viết tin bài, quay phim truyền tải những thông tin đến người dân. “Đó cũng là năm đầu tiên, người dân ở đại ngàn Trường Sơn tỉnh Thừa Thiên Huế được xem truyền hình”, anh nhớ lại.

Thời điểm đó, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, chưa có điện, hệ thống giao thông cách trở nên cứ chập tối, bà con tập trung tại trạm phát sóng truyền hình huyện để xem chương trình thời sự VTV, rồi xem các bộ phim như: “Người giàu cũng khóc”, “Oshin”… “Trạm phát sóng truyền hình huyện được chạy bằng nguồn điện máy nổ”, anh kể.

Nhận thấy nhu cầu xem tivi của người dân rất lớn nên anh đề xuất lãnh đạo cho thực hiện hàng loạt phóng sự nhằm truyền tải thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Trong các phóng sự của anh, nhật vật chính thường là những tấm gương điển hình trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người dân bản nhìn thấy mình được lên tivi rất phấn khởi và qua đó, những việc làm tốt dần lan tỏa trong cộng đồng.

Năm 1995, thời điểm chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, xã. Tại xã Hương Nguyên cũ - nằm cách trung tâm huyện khoảng 70km nhưng giao thông đi lại chủ yếu là đường rừng núi, nhiều khe suối nên đoàn cán bộ huyện phải di chuyển 2 chặng đường mất gần 2 ngày trời mới đến nơi. Bấy giờ ở xã này có một rạp chiếu phim video do một người từ miền xuôi lên kinh doanh. Sau một ngày lao động vất vả, nhiều bà con háo hức đi xem phim…

“Với chiếc máy quay M7 duy nhất lúc đó, tôi đã ghi lại đời sống hàng ngày của bà con để tối mượn rạp chiếu phim video trình chiếu cho bà con xem”, anh nhớ lại. Theo lời anh, đêm đầu tiên trình chiếu, người đến đông nghẹt. Họ nhìn thấy những hình ảnh của bản làng heo hút, những con đường mòn đi lại, những người phụ nữ đang làm rẫy, những trường lớp con em họ đang học tuềnh toàng… được lên tivi khiến trong lòng người dân vui buồn lẫn lộn. Từ đó, khi huyện vận động bà con về tái định cư nơi ở mới tại khu vực Tà Lương (giáp ranh giữa xã Hương Nguyên và Hồng Hạ), bà con đều phấn khởi nghe theo bởi lúc này họ mới hiểu đã có Đảng, có Nhà nước quan tâm đến chính sách, có nơi ở mới đảm bảo cơ sở hạ tầng, ổn định định canh định cư…

“Là huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, A Lưới thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Vì vậy, cứ vào mùa mưa bão, phóng viên đài huyện như chúng tôi dường như gác lại mọi công việc riêng tư, túc trực 24/24h tại cơ quan để lúc cần là chạy ngay xuống cơ sở phản ánh thông tin kịp thời và sớm nhất; vừa để phục vụ cho bản tin phát thanh hàng ngày của đài huyện, vừa có những hình ảnh chân thực, sinh động gửi cộng tác cho cơ quan báo, đài của tỉnh”, nhà báo Trần Diên kể.

A Lưới cũng từng là địa bàn xảy ra các vụ phá rừng tự nhiên nghiêm trọng, lâm tặc hoành hành, thế nhưng bất chấp sự hiểm nguy, nhà báo Trần Diên không ít lần băng rừng, lội suối, vác theo máy móc để đến hiện trường nhằm chuyển tải thông tin nóng, nhanh và chính xác nhất đến công chúng.

Cho chúng tôi xem những phóng sự về vụ phá rừng, anh nhớ lại, vào năm 2008, trong một lần tuần tra, đội liên ngành đã thu giữ gần 2m3 gỗ quý được khai thác trái phép ở xã Hồng Hạ, huyện A Lưới. Lúc đó, số gỗ không có chủ đến nhận; trong khi đó, người đồng bào dân tộc thiểu số tụ tập đến khu vực này càng lúc càng đông nên anh em không thể vận chuyển số gỗ ra ngoài khu vực rừng.

Nhà báo Trần Diên trao đổi công việc với đồng nghiệp.

Nhà báo Trần Diên trao đổi công việc với đồng nghiệp.

“Lúc này, tôi được lãnh đạo đơn vị phân công về quay phim, làm tin phản ánh. Tôi vác máy quay, lội bộ qua 3 con suối thì thấy hàng trăm người dân chen chúc nhau, la hét. Dù chưa bật máy quay nhưng tôi nghe đâu đó thách thức bằng tiếng dân tộc thiểu số, nếu quay phim sẽ bị ném đá. Lúc đó, tôi cũng có chút bất an nhưng sau đó kịp lấy lại bình tĩnh và đến giải thích, vận động mọi người bằng tiếng dân tộc thiểu số để họ thông cảm công việc mình đang làm. Và khi tôi đưa máy lên quay những thước phim đầu tiên, nhiều người dân hiếu kỳ đã dần dần rời khỏi hiện trường. Và lúc này, đội liên ngành vận chuyển tang vật ra khỏi rừng. Sau đó, những hình ảnh và thông tin vụ bắt giữ lâm sản được đưa đến công chúng một cách nhanh nhất nhằm kịp thời tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn”, nhà báo Trần Diên kể lại.

Với mong muốn có thêm nhiều kiến thức để phục vụ nghề viết lách, dựng phim; năm 2007, dù đã bước qua tuổi 30 nhưng anh vẫn quyết tâm “cơm đùm gạo bới” ra Hà Nội và thi đỗ vào Học viện Báo chí và Truyên truyền. Sau 4 năm, anh trở lại đại ngàn Trường Sơn để tiếp tục công việc phóng viên.

Không chỉ là người “đa năng” của đài huyện (từ: phóng viên, biên tập viên, quay phim, biên dịch tiếng dân tộc thiểu số), Trần Diên còn là cộng tác viên thường xuyên của Đài PT-TH tỉnh Thừa Thiên Huế chuyên về các phóng sự xã hội phản ánh những phát triển đổi thay của miền núi. Đặc biệt, anh còn thực hiện chuyên mục biên dịch, đọc lời bình và dẫn các chương trình truyền hình chuyên biệt dành cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiếng Pa Cô phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh Thừa Thiên Huế và VTV8 (khu vực miền Trung – Tây Nguyên).

Đến nay, anh đã thực hiện hàng nghìn tin, bài bằng tiếng phổ thông, 24 chương trình truyền hình với 48 phóng sự bằng tiếng dân tộc thiểu số đã được dịch và phát sóng. Đối với chương trình PT-TH huyện bằng tiếng dân tộc thiểu số, anh đã thực hiện gần 90 chương trình với trên 500 tin, 40 bài phóng sự đã được phát sóng định kỳ theo lịch phát sóng được đông đảo công chúng tiếp nhận, quan tâm theo dõi, góp phần bảo tồn, lưu giữ tiếng nói, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Qua đó, cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu thêm về văn hóa truyền thống, văn hóa lịch sử của A Lưới - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi đó có những anh hùng đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc...

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện A Lưới cho biết, nhà báo Trần Diên là một cán bộ, một đảng viên mẫu mực và đặc biệt rất “say nghề”, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do tổ thông tin thiếu người nên thời gian qua, anh phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều công việc. Với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng, nhiều năm qua, anh đã được chính quyền, các cấp, ngành khen thưởng.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/chuyen-ve-nha-bao-nguoi-pahy-hon-30-nam-gan-bo-voi-dai-ngan-truong-son-i735070/