Phục dựng màu di ảnh 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ

Di ảnh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) đã được phục dựng màu từ những bức ảnh đen trắng.

Ngày 23-7, Tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam phối hợp với CLB Mãi mãi tuổi 20 trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam di ảnh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam).

Đáng chú ý, di ảnh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ được phục dựng màu từ những bức ảnh đen trắng.

Tại sự kiện, Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng cho biết việc phục dựng màu di ảnh chân dung và hành trình đề xuất tôn vinh 10 cô gái Lam Hạ là kết quả của một hành trình thầm lặng, bền bỉ và kéo dài đã gần 10 năm.

 Di ảnh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ được phục dựng màu.

Di ảnh của 10 nữ anh hùng liệt sĩ dân quân Lam Hạ được phục dựng màu.

Những năm 1965 – 1967, địa bàn phường Lam Hạ (TP Phủ Lý - tỉnh Hà Nam hiện nay) là một trong những trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt ở miền Bắc, vì có tuyến đường sắt và đường bộ tiếp tế cho chiến trường miền Nam.

Đó là giai đoạn bom đạn Mỹ trút xuống Hà Nam suốt ngày đêm. Lam Hạ được coi như "Đồng Lộc" thứ 2 ở Việt Nam.

Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, Trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 17 đến 20. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, lần lượt 10 nữ dân quân đã anh dũng hy sinh trong những năm 1966 - 1967…

Trong kháng chiến chống Mỹ, 10 cô gái Đồng Lộc là Thanh niên xung phong, đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom và bảo đảm giao thông tuyến lửa... Còn 10 cô gái Lam Hạ là dân quân trực tiếp chiến đấu, họ hy sinh khi ngẩng cao đầu trên mâm pháo, bắn trả máy bay Mỹ.

Việc phục dựng màu cho di ảnh chân dung của 10 cô gái Lam Hạ nhằm hưởng ứng các hoạt động nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2024).

Trong khuôn khổ sự kiện, bên cạnh hoạt động trao tặng di ảnh phục dựng màu cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam,Ban tổ chức còn trân trọng giới thiệu tới độc giả tác phẩm nhật ký Trở về trong giấc mơ.

Đây là cuốn sách được Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu từ những trang sổ tay nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến (1945 - 1968).

Bản thảo Trở về trong giấc mơ được viết trong khoảng thời gian từ tháng 11-1966 đến tháng 3-1968. Thông qua những trang nhật ký, người chiến sĩ trẻ Trần Minh Tiến đã ghi lại những tháng ngày tập luyện gian nan, vất vả, để chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu.

 10 bức ảnh được phục dựng màu được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

10 bức ảnh được phục dựng màu được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Cuốn sổ nhật ký nhỏ đã trở thành một người bạn tâm tình, là nơi để người lính trẻ bộc bạch những tâm tư, tình cảm sâu kín nhất của lòng mình.

Điều đặc biệt là trong lần tái bản năm 2024 này, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã làm mới Trở về trong giấc mơ bằng cách kết hợp sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang có in các mã QR.

Đây cũng là cuốn sách đầu tiên được Nhà xuất bản ứng dụng chuyển đổi số phục vụ bạn đọc. Ngoài phần nhật ký, sách còn cung cấp thêm cho độc giả nội dung đầy đủ 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu là Vũ Thị Lưu Liên.

Đó cũng chính là tác phẩm Những lá thư tình đi qua chiến tranh đã được NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2021.

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng trao tặng Tủ sách Đặng Thùy Trâm cho Trường THCS Lương Văn Nắm (xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Đây là tủ sách thứ ba được trao tại tỉnh Bắc Giang, nhưng cũng là tủ sách thứ 14 được trao trên toàn quốc (kể từ tháng 11-2023).

Tủ sách trị giá 100 triệu đồng, đã hoàn thành bước đầu và bàn giao đúng dịp tháng 7 - tháng tri ân anh hùng thương binh, liệt sĩ.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phuc-dung-mau-di-anh-10-nu-anh-hung-liet-si-dan-quan-lam-ha-post801826.html