Phục dựng trang phục và nghi lễ thời Lê Sơ

Ngày 30/12, tại Hà Nội, tổ chức Vietnam Centre do các bạn trẻ Việt đang sinh sống và học tập ở Australia sáng lập đã ra mắt dự án 'Dệt nên triều đại' tại Hà Nội - tái hiện trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê Sơ từ 1437-1471 dưới hình thức một show diễn thời trang đã mang lại cho những người xem nhiều cảm xúc mới lạ.

Không chỉ vậy, cuộc tọa đàm “Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới" được tổ chức tại buổi ra mắt đã thu hút sự quan tâm của các diễn giả là Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Học giả Trần Quang Đức… về việc xây dựng thương hiệu quốc gia.

Phát biểu tại đây, bà Tôn Nữ Thị Ninh bày tỏ sự yêu mến dành cho các bạn trẻ của Vietnam Centre với tâm huyết dành cho văn hóa dân tộc, đặc biệt là cách họ vượt qua mọi áp lực, không chạy theo xu hướng đám đông và đem lại sự mới mẻ cho xã hội.

Cuộc tọa đàm thu hút đông đảo khách tham dự. (Ảnh: H.T)

Bàn luận về chủ để định vị thương hiệu quốc gia, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng thương hiệu quốc gia chính là linh hồn của một dân tộc, đến từ sự tự nhận thức của chính dân tộc đó và sự công nhận của thế giới bên ngoài.

“Thương hiệu quốc gia được xây dựng dựa trên chính con người của quốc gia đó, là tài sản vô hình và hữu hình. Thương hiệu quốc gia cần được xây dựng trên mọi khía cạnh kinh tế, xã hội và mỗi người đều là một đại sứ”, bà nói.

Tại đây, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp cũng chia sẻ quan điểm và những vấn đề về thương hiệu quốc gia thông qua những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động văn hóa và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, chị cũng đề xuất những mong muốn được hỗ trợ về mặt chính sách và sự chung tay của cộng đồng để thúc đẩy quá trình quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tái hiện Nghi lễ sắc phong Hoàng Thái Hậu thời Lê Sơ. (Ảnh: H.T)

Đưa ra những thông tin thú vị xung quanh lịch sử trang phục Việt Nam, anh Trần Quang Đức - tác giả cuốn sách “Ngàn năm áo mũ”– nghiên cứu lịch sử trang phục của Việt Nam qua các triều đại, cho biết lịch sử trang phục Việt Nam có sự biến đổi và đứt đoạn qua từng thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.

Anh Nguyễn Khánh Dương - đồng tác giả của truyện tranh Long Thần Tướng, bộ truyện tranh lịch sử lấy bối cảnh thời Trần đạt được nhiều thành công trong nước và quốc tế cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện bộ truyện và quảng bá văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt, kết thúc buổi lễ khách tham dự đã được chứng kiến sự tái hiện Nghi lễ sắc phong Hoàng Thái Hậu thời Lê Sơ do các tình nguyện viên của Vietnam Centre thực hiện. Đây là phần nghi lễ được tái hiện dựa trên ghi chép về lễ Sắc Phong Hoàng Thái Hậu trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú.

H.T

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/phuc-dung-trang-phuc-va-nghi-le-thoi-le-so-63438.html