Phục hồi du lịch biển đảo Lại Sơn
Du lịch biển đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đang trên đà phục hồi nhanh, hoạt động trong trạng thái bình thường sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Lại Sơn là một trong 4 xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, nằm ở vùng biển Tây Nam đất nước, là đảo lớn nhất trong tổng số 23 hòn đảo của Kiên Hải, với diện tích hơn 1.087 ha. Cuối năm 2017, xã Lại Sơn được tỉnh công nhận là Khu du lịch địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xã phát triển du lịch.
Khu du lịch Lại Sơn có nhiều bãi biển đẹp, nhiều điểm leo núi trải nghiệm, khám phá ẩn mình trong màu xanh của rừng nguyên sinh hòa quyện mặt biển lam xanh, tạo nên tuyệt tác thiên nhiên “sơn thủy hữu tình”.
Khu du lịch địa phương này còn có di tích lịch sử - văn hóa mang đậm nét văn hóa biển đảo, tín ngưỡng dân gian, như lăng Ông Nam Hải, miếu Bà Cố Chủ, đình thần Nguyễn Trung Trực… và nguồn hải sản phong phú, tươi ngon. Đây là những điều kiện thuận lợi để Lại Sơn phát triển các sản phẩm du lịch.
Các loại hình du lịch phổ biến ở Lại Sơn gồm du lịch tâm linh, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, ẩm thực, sinh thái, vườn đồi, leo núi, thể thao dưới nước... Được biết, trong giai đoạn 2018-2021, địa phương đón khoảng 470.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó có 1.287 lượt khách nước ngoài.
Không nổi tiếng như đảo Phú Quốc và quần đảo Nam Du, Lại Sơn mang vẻ đẹp nguyên sơ, yên bình bởi chưa được nhiều người biết đến. Cùng với đó, phong tục tập quán truyền thống được người dân giữ gìn qua bao thế hệ đã tạo nên bản sắc văn hóa và sức hấp dẫn riêng cho hòn đảo vốn được ví như “viên ngọc của biển” này.
Đảo Lại Sơn còn có tên là Hòn Sơn Rái hay Hòn Sơn. Người dân nơi đây lý giải cái tên này theo nhiều cách khác nhau. Người thì cho rằng, trước đây, trên đảo mọc rất nhiều cây dầu rái - loài cây cho nhựa có độ kết dính cao, chuyên dùng quét vỏ thuyền để chống nước. Lại có người kể rằng, nơi này từng là lãnh địa của loài rái cá, và khi nhìn từ trên cao xuống, hòn đảo có hình dáng như một con rái cá lội trên mặt biển, đầu hướng về phía đất liền.
Đến với Lại Sơn, du khách có thể thăm viếng các di tích, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo mang đậm nét văn hóa biển đảo. Những hình thái thờ tự này cho thấy sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đảo cũng như sự giao thoa của các nền văn hóa Việt, Hoa, chămpa và các tín ngưỡng: Tín ngưỡng thờ thần bảo hộ (Thành hoàng Bổn Cảnh, anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực), tín ngưỡng thờ thần nghề nghiệp (thần cá Ông, thần Hà Bá) hay tín ngưỡng thờ nữ thần (bà Cố Chủ, bà Chúa Xứ Mã Châu)… Nếu đúng dịp, du khách còn được hòa mình vào các lễ hội dân gian bản địa rộn ràng, đầy màu sắc.
Cho đến nay, người dân Lại Sơn vẫn giữ gìn phong tục, tập quán truyền thống của mình bên cạnh các lễ hội. Đó đôi khi chỉ là những nếp sinh hoạt hằng ngày hay những nghề truyền thống như đóng tàu; khai thác, chế biến thủy sản; sản xuất nước mắm hay nấu rượu hoa quả… Nghề truyền thống không chỉ giúp người dân có thu nhập ổn định mà còn góp phần gia tăng trải nghiệm, giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống của người dân trên đảo.
Để Lại Sơn trở thành một trong những điểm du lịch quan trọng, huyện Kiên Hải đang đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như cầu tàu, đường giao thông, hệ thống điện lưới, hồ nước ngọt… Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách nhằm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa trên đảo Lại Sơn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/383/136013/phuc-hoi-du-lich-bien-dao-lai-son