Phục hồi du lịch để góp phần phục hồi kinh tế

Du lịch có vai trò rất lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội. Trong năm 2019 Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới: khách du lịch quốc tế đạt 18 triệu lượt người; nội địa 85 triệu lượt người; tổng thu của ngành du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP. Ước tính có 1,3 triệu người làm việc trong ngành du lịch, chưa kể số người cung ứng những dịch vụ, sản phẩm có liên quan. Du lịch có hiệu ứng lan tỏa mạnh, là ngành xuất khẩu tại chỗ rất nhiều sản phẩm và dịch vụ khác của đất nước.

Ðịa điểm du lịch Hang Múa-Ninh Bình. Ảnh |J.B

Ðịa điểm du lịch Hang Múa-Ninh Bình. Ảnh |J.B

Ngoài ra, du lịch còn giúp phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa, các di sản thiên nhiên. Quan trọng không kém là du lịch giúp quảng bá hình ảnh của đất nước.

Với vị trí, vai trò như vậy, những năm qua, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhất là khi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngành du lịch đã có bước phát triển vượt bậc, tăng trung bình 22,7%/năm về khách du lịch quốc tế, tăng 1,5 lần khách du lịch nội địa trong giai đoạn 2015-2019, đóng góp trực tiếp hơn 9,2% vào GDP, tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương trong quá trình phát triển và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh và của các biện pháp phòng, chống dịch. 95% doanh nghiệp lữ hành phải ngừng hoạt động; trên dưới 1 triệu người bị mất việc làm; Công suất buồng phòng của các khách sạn, các cơ sở nghỉ dưỡng chỉ đạt bình quân 10-20%.

Để phục hồi kinh tế, thì phục hồi ngành du lịch phải là một phần cấu thành quan trọng. Trong các gói chính sách tài khóa và tiền tệ đang được xây dựng, cần thiết kế thế nào để ngành du lịch cũng được hưởng lợi trực tiếp. Nếu ngành du lịch đang đóng góp 10% GDP cho đất nước, thì công bằng nhất là ngành này cũng cần được hưởng lợi từ các chính sách này tương ứng 10%.

Tất nhiên, mọi chính sách hỗ trợ ngành du lịch chỉ có nghĩa khi đất nước được mở cửa. Nếu chúng ta tiếp tục đóng cửa đất nước hoặc khi mở khi đóng, thì chẳng có chính sách gì có thể cứu vãn được ngành du lịch. Thách thức lớn nhất ở đây là phải mở cửa đất nước như thế nào để dịch bệnh không bùng phát. Tuy nhiên, đây là thách thức hoàn toàn có thể vượt qua. Với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ gần như đạt tới 90% cho những người hơn 18 tuổi và là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, Việt Nam có thể được coi là đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Thêm vào đó, hàng loạt các yếu tố khác cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể khống chế được dịch bệnh. Đó là chúng ta đã tích tụ được nhiều tri thức và kinh nghiệm quý báu trong phòng, chống dịch; người dân đã hiểu biết nhiều hơn và đã có thói quen thực hiện 5K; thuốc chữa Covid đã được phát minh và bắt đầu có sẵn trên thị trường.

Một điều kiện quan trọng khác để phục hồi du lịch là phải đơn giản hóa các thủ tục phòng, chống dịch. Cần áp dụng triệt để các công nghệ 4.0 để thực hiện được điều này. Nếu thủ tục vẫn cứ phức tạp như hiện nay, ít ai sẵn sàng vượt qua những sự phiền hà đang chờ đón phía trước để di du lịch.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chinh-tri-hangthang/phuc-hoi-du-lich-de-gop-phan-phuc-hoi-kinh-te-683640/