Phục hồi du lịch Đông Nam Á: Những 'điểm sáng' đầu tiên
Sáu tháng đầu năm 2022, lượng du khách quốc tế đến một số quốc gia Đông Nam Á gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, con đường phục hồi vẫn đang nhiều thách thức.
Là một trong những điểm đến hấp dẫn tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận những tín hiệu rất tích cực trong quá trình phục hồi ngành du lịch hậu Covid-19. Vào giữa tháng 6, quốc gia này đạt mục tiêu thu hút 2 triệu khách quốc tế cho cả năm và hiện nâng mục tiêu đó lên 4,5 triệu.
Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Datuk Seri Nancy Chukri cho biết, mục tiêu trên sẽ được xem xét lại vào tháng 9 và bà lạc quan rằng nó sẽ được điều chỉnh lên mức cao hơn.
Thống kê cho thấy, khách tới Malaysia chủ yếu từ các nước như Ấn Độ, Saudi Arabia, Philippines và Indonesia. Số liệu này không bao gồm du khách tới Malaysia bằng đường bộ qua biên giới đất liền với Singapore.
Bà Nancy Chukri nói, nếu tính cả số lượng khách này, đã có hơn 3 triệu lượt khách tới Malaysia trong nửa đầu năm nay.
Các nhà phân tích dự đoán, 6 tháng cuối năm, khu du lịch giải trí cao nguyên Genting sẽ bùng nổ lượng khách tới tham quan khi nơi đây được hưởng lợi từ việc triển khai các điểm tham quan mới tại công viên giải trí Resorts World Genting.
Trong khi đó, tại Thái Lan, 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận lượng du khách quốc tế tăng ấn tượng, nhiều nhất là người Ấn Độ và Malaysia.
Phó phát ngôn viên chính phủ Traisuree Taisaranakul cho biết, từ ngày 1/1-26/6, lượng khách nước ngoài tới Thái Lan đạt 2,03 triệu lượt. Thái Lan đặt mục tiêu thận trọng là thu hút 7,5 triệu lượt khách trong năm nay, chỉ bằng một phần nhỏ so với con số 40 triệu lượt khách mà nước này tiếp đón vào năm 2019.
Nền kinh tế đất nước Chùa Vàng phụ thuộc khá lớn vào du lịch khi ngành này đóng góp khoảng 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hay Singapore, một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa biên giới, đón 540.430 lượt khách du lịch từ tháng 1-4 năm nay, với số lượng tăng đều đặn mỗi tháng. Chỉ riêng trong tháng 4, đã có 296.300 người tới Singapore và con số này tăng lên 418.310 vào tháng 5.
Các cơ quan quản lý du lịch Singapore dự kiến, lượng khách tới quốc đảo này sẽ tăng trong nửa cuối năm khi việc kết nối chuyến bay được cải thiện và nơi đây tổ chức Giải đua xe công thức 1 vào tháng 10.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết, có thể mất vài năm để lượng du khách tới nước này hồi phục so với mức trước đại dịch.
Bộ phận nghiên cứu và phân tích Economist Intelligence Unit của Economist Group ước tính, phải đến năm 2024, ngành du lịch châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng mới có thể phục hồi hoàn toàn.
Theo Cirium, Malaysia, Thái Lan và Singapore đang dẫn đầu sự phục hồi du lịch tại Đông Nam Á.
Cũng theo dữ liệu của Cirium, ngành du lịch Philippines đang hoạt động khá ổn, với lượng đặt phòng vào giữa tháng 6/2022 đạt 40% so với mức năm 2019 trong khi tỷ lệ này là 20% vào tháng 1.
Dữ liệu thống kê cho thấy, từ ngày 10/2 (ngày quốc gia này bắt đầu mở cửa đón khách du lịch nước ngoài) đến ngày 25/4/2022, Philippines đón tổng cộng 319.047 lượt khách. Ngành du lịch Philippines trị giá 92,6 tỷ USD vào thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.
Ở những nơi khác, sự phục hồi diễn ra chậm hơn, đặc biệt là ở các thị trường phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc hoặc Nga, hoặc cả hai. Người Trung Quốc vẫn nằm ngoài bản đồ du lịch quốc tế do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt.
Sáu tháng đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách du lịch quốc tế, chưa bằng 10% con số trước đại dịch. Tuy nhiên, xu hướng đã được cải thiện. Việt Nam hoàn toàn mở cửa du lịch quốc tế từ giữa tháng 3 năm nay.
Chỉ tính riêng tháng 6, Việt Nam đón gần 237.000 lượt khách nước ngoài, tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần cùng kỳ năm ngoái.
Trong 4 tháng đầu năm, khách du lịch nước ngoài đến Campuchia đạt 230.000 lượt, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Du lịch nước này dự kiến sẽ có 800.000 du khách tới đây vào cuối năm. Năm 2019, đất nước Chùa Tháp đón 6,6 triệu lượt khách quốc tế.
Những dấu hiệu ban đầu ở Đông Nam Á cho thấy ngành du lịch có nhiều cơ hội phục hồi khi nhu cầu của người dân rất mạnh mẽ, mặc dù có những khó khăn, thách thức.
Giá xăng dầu tăng đang đẩy giá vé máy bay tăng cao, trong khi lạm phát toàn cầu và nguy cơ suy thoái có thể ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phuc-hoi-du-lich-dong-nam-a-nhung-diem-sang-dau-tien-189980.html