Phục hồi hệ sinh thái cho tương lai bền vững
Năm 2021 là năm được Liên hợp quốc phát động cho một thập kỷ (2021-2030) phục hồi của các hệ sinh thái trên thế giới, giúp xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật. Việt Nam cũng đang nỗ lực hơn nữa để bảo tồn các hệ sinh thái (HST), nét đẹp của tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững.
Thách thức trong phục hồi hệ sinh thái
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thiết lập các hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) kết nối các sinh cảnh nơi có các loài nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ; xây dựng 3 khu vực bảo tồn hổ tại khu bảo tồn liên biên giới với Lào và Campuchia gồm: Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát (tỉnh Nghệ An), Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) và VQG Yok Đôn (tỉnh Đắc Lắc). Đồng thời xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm... Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 phục hồi 25% diện tích HST tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái.
Tuy nhiên, phục hồi HST là thách thức rất lớn, đặc biệt với các nước đang phát triển như nước ta. Theo ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam), sự gia tăng dân số và mức tiêu thụ tài nguyên là áp lực dẫn tới khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, làm biến đổi cảnh quan thiên nhiên. Thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên; cháy rừng, phá rừng cũng là các yếu tố khiến ĐDSH của nước ta suy giảm. Trong khi đó, rừng giàu và rừng nguyên sinh không còn nhiều, vẫn tiếp tục bị thu hẹp về cả lượng và chất. Đến nay, diện tích của 173 khu bảo tồn gồm: 33 VQG, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 56 khu bảo vệ cảnh quan chỉ chiếm khoảng 7,5% diện tích đất liền-một con số khiêm tốn đối với một nước có ĐDSH phong phú như nước ta...
Bảo đảm nhất quán các chính sách phục hồi hệ sinh thái
Những năm qua, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn ĐDSH. Luật ĐDSH; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Thủy sản; Luật Du lịch; Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030... đã được ban hành và từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tế trong phục hồi HST là một quá trình đòi hỏi tính kiên trì và sự nhất quán. Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho rằng, mặc dù các chính sách về bảo tồn ĐDSH, phục hồi HST hiện nay đã có nhiều đổi mới nhưng nhiều điểm chưa có tầm nhìn dài hạn, mới chỉ nhìn nhận vào một mắt xích chứ chưa tập trung, nhất quán theo cả chuỗi dẫn đến sự chồng chéo trong các hoạt động bảo tồn cũng như chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan. Sự tham gia của các tổ chức ngoài công lập hay phi chính phủ cũng như nguồn lực đầu tư vào công tác bảo tồn, phục hồi vẫn còn hạn chế.
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, hiện nay mới chỉ có 8/33 VQG tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, số còn lại hoạt động phụ thuộc 100% vào nguồn ngân sách nhà nước. Một số VQG đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính một phần như: VQG Ba Vì (tự chủ 80%), VQG Cát Tiên (tự chủ 60%)... Việc tự chủ tài chính sẽ giúp các VQG chủ động hơn trong công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường, bảo tồn ĐDSH, đồng thời nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên cũng như tạo sinh kế bền vững cho người dân sinh sống quanh các VQG và khu bảo tồn.
GS, TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cũng cho rằng, phải để người dân hiểu được rằng tài nguyên thiên nhiên là tài sản vô giá, gắn với lợi ích của họ. Tuyên truyền nâng cao nhận thức là chưa đủ mà cần phải có các biện pháp cải thiện sinh kế, tạo công ăn, việc làm ổn định cho cư dân sinh sống ven các khu bảo tồn. Trong đó, phát triển du lịch sinh thái là một phương án rất tốt, giải quyết được vấn đề phát triển kinh tế và bảo tồn HST. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 đã đưa ra nhiều điểm mới cũng như tính nhất quán về công tác bảo tồn thiên nhiên, phục hồi HST, hướng đến mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, hướng đến phát triển bền vững. Từ đó sẽ có tác động tích cực để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường, phục hồi, bảo vệ HST vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, cho một tương lai bền vững.