Phục hồi kinh tế TPHCM, cần năng lực thích nghi hơn 'cây đũa thần'
Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã trải qua hơn 3 năm phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đầy quả cảm và nỗ lực. Như người ốm nặng đã rất chủ động đứng dậy, TPHCM tích cực thích ứng linh hoạt và phấn đấu mạnh mẽ để lấy lại đà tăng trưởng, kể từ quý I-2021.
Tuy nhiên, sau thời gian các chỉ số tăng trưởng GRDP khá khả quan, đến quý I-2023, tình hình đã xấu đi rất nhiều. Đương nhiên, các dấu hiệu đã bắt đầu từ giữa năm 2022, khi một số thị trường bị thu hẹp, đơn hàng bị giảm sút, giá nguyên nhiên liệu tăng cao…, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bị tụt giảm, buộc phải cắt giảm lao động và quy mô hoạt động. Con số tăng trưởng 0,7% của quý I tuy có bất ngờ nhưng không khó lý giải bởi các nguyên nhân đều khá rõ.
Trong bối cảnh đó, không có “cây đũa thần” nào có thể thay đổi nhanh chóng, mà tất cả chủ thể đều phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Chính lúc này, năng lực thích nghi cần thể hiện rõ nét.
Đối với phần đông người lao động, nguy cơ mất việc, giảm việc gần như luôn treo lơ lửng. Do đó, bản thân từng người phải thể hiện rõ sự cố gắng, như tăng năng suất làm việc, đẩy mạnh cải tiến, phát huy các sáng kiến, nghiêm túc thực hiện kỷ luật lao động…
Có lẽ đã qua rồi cái thời “đứng núi này trông núi nọ”, chực chờ “nhảy việc”, mà cần thiết phải có sự gắn bó, tận tụy với công việc, với doanh nghiệp của mình.
Mỗi người phải đặt mình trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, hay ít nhất trong từng bộ phận của doanh nghiệp. Phía ngược lại, các doanh nghiệp phải tăng tính thích nghi hơn nữa với điều kiện mới, cả trong hoạt động quản lý, tiếp cận thị trường, nâng chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
Đây là lúc các doanh nghiệp phải hết sức chú trọng tính khoa học trong quản lý, để đạt hiệu quả cao nhất, như phải tổ chức lại bộ máy, cắt giảm các khâu trung gian, tinh gọn đội ngũ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành… Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có giải pháp khích lệ sự sáng tạo và các sáng kiến của người lao động, như thưởng, tăng lương, trích lợi nhuận, đề bạt… nhằm thúc đẩy sự chủ động, tìm tòi các giải pháp mới có hiệu quả hơn trong tất cả các hoạt động tại doanh nghiệp.
Xã hội cũng sẽ đòi hỏi nhiều hơn ở năng lực thích nghi của các cơ quan nhà nước. TPHCM đã đề ra định hướng “cải thiện môi trường đầu tư” trong chủ đề năm 2022 và năm 2023, đồng thời nêu rõ các nội hàm của định hướng này.
Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư cần tổng thể nhiều giải pháp của nhiều cơ quan, lĩnh vực. Thí dụ, để tăng đầu tư toàn xã hội, việc cải tiến các thủ tục cấp phép rất quan trọng, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này phải chủ động điều chỉnh, giảm bớt các thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức…
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh cung cách hoạt động của cơ quan thuế, hải quan, hoạt động ở các cảng, các ngân hàng... Hay ngay cả hoạt động “hậu kiểm” (thanh tra, kiểm tra), vốn rất cần thiết và quan trọng để bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động lành mạnh và đúng pháp luật, cũng phải được thực hiện một cách khoa học, để giúp doanh nghiệp hạn chế các thiếu sót, nhưng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
Nếu thiếu sự đồng bộ, môi trường đầu tư có thể tốt ở chỗ này chưa tốt ở chỗ kia, cũng dẫn đến nhiều điểm nghẽn.
Về tầm vĩ mô, năng lực thích nghi của các cấp chính quyền, từ Trung ương đến TP, là phải thay đổi tư duy về quản lý, điều hành cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó triệt để chấn chỉnh các thiếu sót, tồn tại, cả trong quy trình lẫn cách thức thực hiện quy trình của đội ngũ cán bộ, công chức. Chẳng hạn, phải quyết liệt hơn nữa trong hoạt động chuyển đổi số, tạo sự liên thông trong các hoạt động có liên quan.
Điều này không chỉ đẩy nhanh tiến độ giải pháp các yêu cầu hành chính của doanh nghiệp và người dân, còn góp phần hạn chế sai sót và nhất là giảm các hành vi nhũng nhiễu.
Thích nghi trở thành năng lực chung của mọi người, mọi tổ chức, từ đó chung sức đồng lòng vượt qua các khó khăn trước mắt.