Phục hồi sau suy thoái, kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng rất khiêm tốn
Các hạn chế thương mại ngày càng tăng với Nga và Trung Quốc góp phần làm suy giảm vai trò của Khu vực Eurozone trong nền kinh tế toàn cầu, chuyên gia chỉ ra.
Vào năm 2024, nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng tới 3,2%, theo “Dự báo mùa xuân” do Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 15/5. Đây là mức điều chỉnh tăng so với “Dự báo mùa thu” của cơ quan điều hành EU về mức tăng trưởng 2,9%, chủ yếu là do Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay thay vì 1,4% như dự đoán trước đó.
Các nhà kinh tế của EC dự báo tăng trưởng GDP trên toàn EU ở mức 1% trong khi ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 0,8%. Đây là mức tăng nhẹ so với dự báo trước đó của cơ quan này đối với EU, nhưng không thay đổi đối với Eurozone. EC cũng điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2024, từ 1,6% lên 2,9%, vì hiện tại họ kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,7% thay vì 1,6% vào năm 2025.
Trên thực tế, một số nền kinh tế châu Âu đã phục hồi sau suy thoái, ông Boris Kopeikin, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Trung tâm Phát triển Chiến lược nói với báo Vedomosti (Nga). Tuy nhiên, ông dự đoán rằng EU và Eurozone có thể sẽ chứng kiến những con số tăng trưởng rất khiêm tốn và không thể so sánh được với những con số không chỉ ở Ấn Độ và Trung Quốc mà còn ở Mỹ.
Ông Kopeikin dự đoán, về lâu dài, vai trò của khu vực này trong nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm nhanh chóng, chủ yếu là do nhân khẩu học, thị trường lao động, gánh nặng thuế khá cao và các hạn chế thương mại ngày càng tăng với Nga và Trung Quốc.
Các chi phí tăng thêm liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng và việc loại bỏ năng lượng của Nga cũng sẽ không mang lại cho khu vực này bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào, vị chuyên gia nói thêm.
Bà Oksana Kholodenko, chuyên gia tại BCS World of Investments, đồng ý rằng địa chính trị và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau để “ăn miếng trả miếng” vẫn là những rủi ro chính trong những năm tới.
Bà Kholodenko lưu ý rằng mặc dù những mâu thuẫn trong ngoại thương đã lắng xuống, nhưng các vấn đề cạnh tranh và các nguồn xung đột khác vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, còn có sự trì trệ về công nghiệp và phân khúc này đang kéo nền kinh tế đi xuống, vị chuyên gia nói thêm.
Các dự báo của EC dựa trên một loạt các giả định kỹ thuật liên quan đến tỉ giá hối đoái, lãi suất và giá hàng hóa với thời hạn cuối cùng là ngày 25/4. Đối với tất cả dữ liệu khác, bao gồm các giả định về chính sách của chính phủ, dự báo này sẽ xem xét thông tin cho đến và bao gồm cả ngày 30/4. Trừ khi các chính sách mới được công bố và quy định đầy đủ chi tiết, các dự báo sẽ không có sự thay đổi về chính sách.
Hàng năm EC công bố 2 dự báo toàn diện (mùa xuân và mùa thu) và 2 dự báo tạm thời (mùa đông và mùa hè). Hai dự báo toàn diện bao gồm một loạt các chỉ số kinh tế cho tất cả các quốc gia thành viên EU, các quốc gia ứng cử viên, các quốc gia EFTA và các nền kinh tế thị trường mới nổi và tiên tiến lớn khác.
Hai dự báo tạm thời bao gồm GDP và lạm phát hàng năm và hàng quý cho năm hiện tại và năm tiếp theo đối với tất cả 27 quốc gia thành viên, cũng như tổng thể của EU và khu vực đồng Euro (Eurzone).
Dự báo mùa hè năm 2024 của EC sẽ cập nhật các dự báo về GDP và lạm phát, và dự kiến sẽ được công bố vào tháng 9.
Minh Đức (Theo TASS, European Sting)