Phục hồi tăng trưởng, tiền đề tăng tốc

Theo ông Trần Công Khanh - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau kết quả tích cực từ hoạt động xuất khẩu trong quý I sẽ tạo được nền tảng rất lớn để năm 2022 Cà Mau lấy lại đà tăng trưởng theo kế hoạch.

Kinh tế thủy sản đang trên đà phục hồi khá nhanh, góp phần đưa đời sống nông dân Cà Mau dần ổn định, phát triển. Ảnh: Trần Nguyên

Kinh tế thủy sản đang trên đà phục hồi khá nhanh, góp phần đưa đời sống nông dân Cà Mau dần ổn định, phát triển. Ảnh: Trần Nguyên

Kinh tế phát triển

Lý giải về kết quả xuất khẩu tháng 2 tăng cao so cùng kỳ, ông Trần Công Khanh cho rằng, do nhu cầu tiêu thụ 2 mặt hàng tôm và đạm trên thị trường thế giới tăng cao nên xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực này có nhiều khả quan, giá tăng.

Ðặc biệt, xuất khẩu phân bón 2 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ (242,4%) do các nước trên thế giới đang dần phục hồi sản xuất nông nghiệp, nhu cầu tiêu thụ ở mức cao; trong khi nhiều nước xuất khẩu phân bón lớn khác đang hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, làm ảnh hưởng đến nguồn cung của thế giới nên đẩy giá xuất khẩu lên cao.

Xuất khẩu 2 tháng qua tăng cao, kéo theo nhiều chỉ số phát triển khác trở thành điểm sáng trong bức tranh chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh đến thiên tai ở địa phương như Cà Mau. Tổng sản lượng thủy sản đạt 105.347 tấn, bằng 16,7% so kế hoạch, tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng tôm đạt 37.718 tấn, bằng 16,4% so kế hoạch, tăng 9,2% so cùng kỳ. Theo đó, tổng sản lượng chế biến tôm đạt 38.236 tấn, bằng 24,4% kế hoạch, tăng 8,1% so cùng kỳ. Sản lượng phân bón đạt 197.147 tấn, bằng 19,7% kế hoạch, tăng 29,8% so với cùng kỳ… Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng qua cũng đều tăng 6,5% so cùng kỳ.

Một điểm nhấn quan trọng là đã thu hút được 2 dự án đầu tư (cùng kỳ chưa thu hút được dự án đầu tư mới), với tổng số vốn đăng ký 926,2 tỷ đồng. Cùng với đó, có 110 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 529,6 tỷ đồng.

Phục hồi sản xuất

Nhiều dự báo khả quan cho thấy kinh tế Cà Mau đang trên đà phục hồi và tăng tốc phát triển. Ông Tăng Vũ Em - Phó chủ tịch UBND TP. Cà Mau, cho biết, tuy tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đều hoạt động bình thường, góp phần rất lớn trong kích cầu tiêu dùng, đưa dịch vụ thương mại trên địa bàn hồi phục mạnh mẻ.

Còn theo ông Trần Tấn Công - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, hiện trên địa bàn đang tập trung thu hoạch sắp xong vụ đông - xuân với năng suất, chất lượng và giá đầu ra của sản phẩm lúa gạo khá ổn định, người sản xuất có lợi. Trên 23.000 ha đã được thu hoạch với sản lượng ước đạt trên 6 tấn/ha, giá lúa tại ruộng bình quân từ 5.500-7.000 đồng/kg, tùy loại.

“Ðược mùa, được giá, sau vụ lúa, người nông dân vùng ngọt của huyện, phần thì tiến hành cày ải cho mùa sau, phần tiếp tục trồng rẫy, tăng thêm thu nhập. Ðời sống người nông dân hiện khá ổn định, tinh thần phấn khởi, góp thêm cho xây dựng nông thôn mới thêm khởi sắc”, ông Trần Tấn Công thông tin thêm.

Với huyện Phú Tân, ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, sản xuất trên địa bàn đã được phục hồi, nhất là nuôi tôm với trên 25.000 ha nuôi quảng canh cải tiến đang phát triển khá tốt. Cùng với đó, 815 ha nuôi siêu thâm canh cũng đã được người dân thả nuôi phù hợp theo lịch thời vụ, mang lại nguồn lợi thủy sản rất lớn cho địa phương.

“Kế thừa kết quả qua các năm, huyện Phú Tân tiếp tục tranh thủ mùa khô tăng tốc phát triển mang lưới hạ tầng giao thông nông thôn gắn với phòng chống sạt lở, góp phần xây dựng nông thôn mới. Năm nay huyện phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, khi đó sẽ có 8/8 xã đạt tiêu chí này theo đề án xây dựng huyện nông thôn mới”, ông Võ Trường Giang thông tin.

Tập trung cho giải ngân vốn đầu tư công

Một vấn đề đáng quan tâm, khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tính đến cuối tháng 2 chỉ 212,7 tỷ đồng, bằng 6,7% kế hoạch (3.152,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo chủ đầu tư tại các địa phương, thật ra tỷ lệ này hầu hết chỉ nằm trong tháng 2 (tỷ lệ giải ngân năm 2021 cho phép tính đến cuối tháng 1/2022), các dự án mới đang được triển khai trình tự theo quy định, sẽ đồng loạt khởi công trong tháng 3 và 4, khi có tỷ lệ giải ngân sẽ tăng tốc.

Ông Lê Văn Ngời - Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, cho biết, các dự án do huyện làm chủ đầu tư hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục, tiến tới đấu thầu, cam kết sẽ đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo Chương trình hành động số 02 của UBND tỉnh và Chỉ thị 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình đầu tư công.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Ðảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên tập trung rà soát, đánh giá chính xác các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của từng ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực trọng tâm, then chốt; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ ở mức cao nhất.

“Bên cạnh ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, cần tập trung phục hồi, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng. Ðẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc chọn giống, sản xuất thích ứng với điều kiện thiếu nước, hạn hán, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và phù hợp với nhu cầu của thị trường”, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.

Ðối với giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu chính quyền của tỉnh cho rằng năm nay trên địa bàn tiếp tục triển khai, triển khai mới nhiều công trình, dự án lớn, nhất là trên lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông bộ. Ðây đều là những công trình trọng điểm, mang tính kết nối, tạo huyết mạch để mở lối phát triển. Ðó là cầu sông Ông Ðốc, trục lộ Ðông - Tây, cầu Gành Hào (xã Tân Thuận), tuyến tránh Quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cải tạo và mở rộng đường Cà Mau - Ðầm Dơi, thị trấn U Minh - Khánh Hội, Cái Nước - Cái Ðôi Vàm…

“Vì thế, chúng ta phải thật sự tập trung, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp một cách đồng thời, nhất là giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công trình. Ðạt tiến độ theo kế hoạch hay sớm một ngày thì góp phần rất lớn để kinh tế - xã hội địa phương có thêm cơ hội phát triển”, ông Huỳnh Quốc Việt lưu ý.

Kinh tế - xã hội Cà Mau đang tăng tốc phát triển. Nếu giữ được nhịp độ tăng trưởng, đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại đang gặp phải trên tinh thần quyết tâm cao độ, khả năng năm 2022, Cà Mau sẽ có bước phát triển nhảy vọt. Tranh thủ thời cơ, tận dụng triệt để lợi thế sẽ tạo nên những đột phá phát triển mới là điều mà Cà Mau đang quyết tâm thực hiện

Theo Trần Nguyên/Báo Cà Mau

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/phuc-hoi-tang-truong-tien-de-tang-toc-346224.html