Phục hồi và phát triển bền vững

Mới đây, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021, với chủ đề 'Phục hồi và phát triển bền vững'. Ông Vương Đình Huệ- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.

Đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế tại điểm cầu Tây Ninh.

Đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế tại điểm cầu Tây Ninh.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh; bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế bền vững

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%, là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới.

Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng, chống dịch Covid- 19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý III tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng năm 2021, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42%, dự kiến cả năm vẫn đạt mức tăng trưởng dương, nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã tung ra nhiều gói chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ rất khác nhau về quy mô, tùy vào mức độ diễn biến của dịch bệnh, cũng như khả năng về nguồn lực- nhất là chính sách tài khóa tiền tệ của từng nước.

Trong 2 năm qua, Việt Nam sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Quốc hội cũng ban hành nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025.

Đây là nhiệm kỳ mà tất cả các khung khổ quyết định cho phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, thậm chí là với tầm nhìn dài hạn hơn, được Trung ương có chủ trương và Quốc hội ban hành toàn bộ các nghị quyết về khung khổ này. “Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Tại diễn đàn, các diễn giả, nhà khoa học đánh giá toàn diện các vấn đề đang đặt ra, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái "bình thường mới", không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới; chuẩn bị các điều kiện cơ bản để phục hồi và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Các diễn giả cũng phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới - giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới.

Thực trạng kinh tế

Theo báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu, gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và của. Các quốc gia trên thế giới đều đã và đang có những giải pháp chính sách để phục hồi kinh tế, mặc dù dịch bệnh Covid-19 còn đang tiếp tục hoành hành.

Các gói kích thích kinh tế liên tục được đưa ra để phục hồi tăng trưởng và khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh. Nhiều quốc gia phát triển đã có những gói can thiệp kinh tế chiếm đến 25%-30% GDP. Một số quốc gia trong khu vực ASEAN có những gói can thiệp đáng kể, trên 10% GDP.

Về tăng trưởng kinh tế, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, nền kinh tế bước đầu có những dấu hiệu tích cực, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 6,9% so với tháng 9. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 10 tăng 18,1% so với tháng trước.

Về tình hình sản xuất nông nghiệp, nhìn chung sản xuất và nuôi trồng không có nhiều biến động do thời tiết khá thuận lợi. Sản lượng lúa Mùa giảm nhưng sản lượng và năng suất lúa Hè Thu gia tăng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm tăng khoảng 16,6% so cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách có sự gia tăng mạnh so với tháng trước (tăng 47,2%), tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái vẫn có sự sụt giảm đáng kể khi giảm tới 29,7%; vận tải hàng hóa tăng 13,5% so với tháng trước do các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý III tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng năm 2021, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương, nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Về thu hút vốn đầu tư FDI, tính đến ngày 20.10.2021, tổng dòng vốn đầu tư bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Về đầu tư ra nước ngoài, có 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 218,3 triệu USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giải pháp phục hồi doanh nghiệp

Đợt bùng phát dịch Covid-19 từ tháng 4.2021 tới nay đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9.2021 với gần 3.000 doanh nghiệp phản hồi đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, có tới 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”.

TS. Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI đã đưa ra các giải pháp trung và dài hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” như:

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lộ trình phục hồi và phát triển kinh tế cần xác định việc ổn định và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ làm trọng tâm; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kết hợp cắt giảm những công trình đầu tư công chưa cần thiết; tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư, tăng hiệu quả hơn nữa của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về FDI để thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ…

TS. Phạm Huy Hùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận vốn của DNVVN, như: Xử lý điểm nghẽn khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại, chủ yếu là bảo lãnh tín chấp, hỗ trợ, trợ giúp, tạo điều kiện để doanh nghiệp vay được vốn; cần thiết thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển; Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7%-10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNVVN; phát triển nền tảng gọi vốn cộng đồng cho DNVVN, với chi phí thấp hơn kênh tín dụng truyền thống.

Chuyển đổi số là bước đột phá trong phát triển kinh tế

Theo Tập đoàn FPT, dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, làm đình đốn sản xuất kinh doanh và đảo lộn cuộc sống. Đồng thời, dịch bệnh cũng làm bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước, quản trị công ty, trong hoạch định tương lai, thiếu hụt về hạ tầng, trình độ nguồn nhân lực, công nghệ, đặc biệt về công nghệ thông tin.

Chuyển đổi số, bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021-2025 cho bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của nhân dân, tạo môi trường phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, địa phương và quốc gia.

Hiện nay, Tập doàn FPT đang đồng hành với 40 tỉnh, thành phố trong công cuộc chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa GRDP, cải thiện mạnh mẽ chỉ số cạnh tranh của địa phương PCI, mức độ hài lòng của người dân PAPI, cải cách hành chính PAR, chỉ số về chuyển đổi số DTI và năng lực đổi mới, sáng tạo tại địa phương.

Để đạt mục tiêu đó, FPT song hành cùng các địa phương trong các chương trình lớn, bao gồm: Xây dựng kinh tế số nhằm xây dựng năng lực tự thân của địa phương về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, áp dụng thanh toán điện tử; tập trung chuyển đổi số vào các ngành kinh tế trọng điểm như du lịch, nông nghiệp, trong các khu công nghiệp; kết hợp với xúc tiến đầu tư từ trong nước và quốc tế; thúc đẩy triển khai nhanh các công trình trọng điểm tại địa phương.

Xây dựng chính quyền số trên cơ sở đầy đủ dữ liệu liên quan, tác nghiệp liên thông giữa các ban, ngành, các cấp, tiến tới chính quyền không giấy tờ, không tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của chính quyền, tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Xây dựng xã hội số nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa địa phương và thành thị trong học tập, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, giảm ách tắc giao thông, tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng; thu hút đầu tư giáo dục phổ thông, cao đẳng và đại học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, đáp ứng cho nhu cầu phát triển bền vững.

Nhi Trần

Về thu hút vốn đầu tư FDI, tính đến ngày 20.10.2021, tổng dòng vốn đầu tư bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phuc-hoi-va-phat-trien-ben-vung-a139942.html