Phúc Long đạt doanh thu 311 tỷ đồng trong quý I

Phúc Long tiếp tục đóng cửa các kiosk hoạt động kém hiệu quả trong quý này sau khi đóng 150 kiosk trong nửa cuối năm 2022.

Công ty CP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu thuần của toàn tập đoàn trong kỳ đạt 18.706 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ban lãnh đạo Masan, bất chấp môi trường vĩ mô đầy thách thức, nhìn chung, kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn vẫn khả quan.

Đáng chú ý, chuỗi trà sữa Phúc Long Heritage đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các cửa hàng flagship ghi nhận tăng trưởng đến 11,8% đạt 311 tỷ đồng.

Ngoài ra trong quý I, Phúc Long tiếp tục đóng cửa các kiosk hoạt động kém hiệu quả và đang thử nghiệm mô hình "Hub-and-spoke" cho kiosk với một số kết quả ban đầu khả quan.

Trước đó, Masan thừa nhận quá trình thử nghiệm mô hình kiosk không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu nên đã quyết định đóng cửa 150 kiosk trong nửa cuối năm 2022.

Phúc Long đã tăng trưởng mạnh mẽ khi trở thành một phần của hệ sinh Masan từ quý II/2021, hiện đứng thứ 2 về doanh thu và số một về biên lợi nhuận xét về mô hình flagship (không bao gồm chuỗi kiosk).

Hiệu quả kinh tế đang tập trung ở các cửa hàng flagship với biên EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của cửa hàng và của công ty lần lượt là 31% và 25%, mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các công ty F&B hàng đầu thế giới.

Điều này đồng nghĩa mỗi cửa hàng flagship của Phúc Long cứ thu 10 đồng sẽ mang về lợi nhuận hơn 3 đồng. Ở góc độ toàn công ty, cứ thu 4 đồng thì chuỗi có lợi nhuận 1 đồng.

Doanh thu toàn chuỗi cuối năm 2021 đạt 1.579 tỷ đồng và EBITDA ở mức 195 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cửa hàng flagship đóng góp doanh số đến 1.153 tỷ đồng và tạo ra EBITDA là 332 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Q&Me, từ năm 2019 đến năm 2023, số lượng cửa hàng cà phê đã tăng từ 816 lên 1.657 cửa hàng nhờ sự phát triển, mở rộng mạnh mẽ của hai thương hiệu Highlands và Phúc Long.

Số lượng cửa hàng cà phê tăng nhanh nhất vào giai đoạn 2021-2022 khi có đến 418 cửa hàng mới tham gia vào thị trường. Trong năm 2023, các chuyên gia dự đoán thị trường trà cà phê sẽ tiếp tục sôi động với nhiều dư địa phát triển.

Starbucks Việt Nam cũng đặt mục tiêu khai trương cửa hàng thứ 100 trong năm 2023, đánh dấu tròn 10 năm thương hiệu cà phê Mỹ bước vào thị trường Việt Nam.

Báo cáo của Euromonitor cho thấy quy mô thị trường cà phê ước đạt 11.779 tỷ đồng năm 2022 và hướng đến mốc 15.800 tỷ đồng vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng CAGR 7,9%. Hiện Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và với dân số đang tăng nhanh, đặc biệt là dân số trẻ với văn hóa cà phê nở rộ, thị trường cà phê Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển.

Doanh thu thị trường trà cũng được ước tính đạt 10.049 tỷ đồng vào năm 2022 và hướng đến mốc 15.000 tỷ đồng vào năm 2027 với CAGR đạt 10,6%. Thị trường trà đang phát triển mạnh mẽ trong những năm qua do sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuc-long-dat-doanh-thu-311-ty-dong-trong-quy-i-post1426522.html