Phúc Long kinh doanh ra sao từ khi về tay Masan?

Masan đang có những bước đi thận trọng và chậm rãi trong việc mở rộng hệ thống cửa hàng Phúc Long.

 Phúc Long chỉ mở mới 7 cửa hàng trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Phúc Long.

Phúc Long chỉ mở mới 7 cửa hàng trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Phúc Long.

Báo cáo tài chính quý II của CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) một lần nữa hé lộ bức tranh kinh doanh của chuỗi trà, cà phê nổi tiếng Phúc Long. Hiện chuỗi trà và cà phê này được quản lý thông qua Phúc Long Heritage.

Theo báo cáo kinh doanh quý II, doanh thu thuần của Phúc Long Heritage chỉ tăng 5% so với cùng kỳ lên 391 tỷ đồng quý vừa qua. Mức tăng này chủ yếu đến từ nguồn thu của 15 cửa hàng mở mới trong 1 năm qua. Trong khi đó, ban lãnh đạo công ty tiếp tục thận trọng khi chỉ bổ sung 4 cửa hàng ngoài WinCommerce vào hệ thống từ đầu năm đến nay.

Kể từ khi về tay Masan năm 2021 đến nay, chuỗi trà, cà phê Phúc Long đã có 163 cửa hàng trên toàn quốc. So với thời điểm cuối năm 2023, trong 6 tháng đầu năm, Phúc Long chỉ mở mới 7 cửa hàng.

Doanh thu hàng ngày của các cửa hàng Phúc Long ngoài WinCommerce đã tăng hơn 2% so với mức đáy trong quý IV/2023, phần nào báo hiệu nhu cầu dịch vụ ăn uống trong nước đang phục hồi.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Masan diễn ra vào tháng 4, Tổng giám đốc Masan Danny Le cho biết Phúc Long có kế hoạch đi ra toàn cầu.

CEO Masan cho biết hiện tại chuỗi cà phê, trà sữa này đã có 2 cửa hàng tại Mỹ để bước đầu thu thập thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Công ty đang có những bước chuẩn bị và có sáng kiến đổi mới nhằm mở rộng mạng lưới ở Việt Nam, đồng thời mở rộng ra các nước trên thế giới.

Trong năm nay, Masan dự kiến chuỗi Phúc Long sẽ ghi nhận doanh thu trong khoảng 1.790-2.170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 17-41% so với năm 2023.

Trước đó, vào năm 2023, Phúc Long ghi nhận doanh thu hơn 1.535 tỷ đồng, giảm gần 3%. Nguyên nhân do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu bên ngoài.

Tuy vậy, chuỗi trà sữa này đã nâng khả năng sinh lời bằng cách tối ưu hóa số lượng kiosk và đạt 255 tỷ đồng EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) năm vừa qua, tăng 31%.

Đáng chú ý, chuỗi trà sữa này còn là mảng có biên lợi nhuận gộp cao nhất của Masan, với gần 65%, cao hơn mức bình quân 27,8% của toàn tập đoàn.

Dù vậy trong năm 2023, Masan cho biết vẫn phải thận trọng với việc mở rộng chuỗi này và chỉ mở mới 28 cửa hàng dù trước đó đặt mục tiêu mở mới 75-90 cửa hàng. Bên cạnh đó, Phúc Long dự kiến trở thành thương hiệu đứng thứ 2 về số lượng cửa hàng vào quý II/2023.

Quay về thời điểm năm 2022, Masan đã mạnh tay hơn trong việc mở thêm 44 điểm bán trong năm cùng 798 kiosk trong hệ thống WinCommerce.

Doanh thu toàn chuỗi cùng năm đạt 1.579 tỷ đồng và EBITDA ở mức 195 tỷ đồng. Trong đó, nhóm cửa hàng flagship đóng góp doanh số đến 1.153 tỷ đồng và tạo ra EBITDA là 332 tỷ đồng.

Masan thừa nhận quá trình thử nghiệm mô hình kiosk không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu nên đã quyết định đóng cửa 150 kiosk trong nửa cuối năm 2022.

Phúc Long còn có những bước tiến lớn trong việc tiếp cận khách hàng thông qua các kênh mới, khi doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 35% tổng doanh thu. Doanh thu từ trà chiếm tỷ trọng hơn 70% khi lượng khách hàng trong độ tuổi 18 đến 35 yêu thích các sản phẩm trà hơn là cà phê và trà sữa.

Masan rót vốn lần đầu vào quý II/2021 khi mua 20% cổ phần Phúc Long Heritage, sau đó mua thêm 31% trong tháng 1/2022 và thêm 34% trong tháng 8/2022, nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên mức hiện tại là 85%.

Chuỗi này giúp Masan nhảy vào phân khúc phục vụ nhu cầu ăn uống ở hàng quán, bên cạnh nhu cầu ăn uống tại nhà đang có của các mảng truyền thống.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/phuc-long-kinh-doanh-ra-sao-tu-khi-ve-tay-masan-post1488933.html